Với sự nỗ lực của chính quyền và người dân trong công cuộc xây dựng NTM đã giúp bộ mặt nông thôn huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam) thay đổi nhanh chóng.
Bằng những mục tiêu, phương hướng cụ thể, cuối năm nay Phú Ninh phấn đấu trở thành huyện NTM.
Chuyển mình nhanh chóng
Qua 4 năm bắt tay xây dựng NTM, huyện Phú Ninh đạt kết quả khả quan, đến nay tiêu chí bình quân đạt chuẩn là 15,7 tiêu chí/xã, tăng 12 tiêu chí/xã, so với năm 2010.
Trong đó, các xã Tam Phước, Tam An, Tam Thành được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận đạt chuẩn năm 2014.
Các xã Tam Đàn, Tam Dân, Tam Thái, Tam Vinh, Tam Đại đạt từ 15-17 tiêu chí và hai xã Tam Lãnh, Tam Lộc đạt từ 9 -12 tiêu chí.
Điều đáng nói, ngay từ đầu xây dựng NTM, Phú Ninh sớm hoàn thành quy hoạch NTM, đến cuối năm 2011, 100% số xã hoàn thành quy hoạch và tổ chức triển khai, quản lý quy hoạch.
Song song với đó, về cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, tỷ lệ trục xã, liên xã được bê tông và nhựa hóa đạt 88,7%; đường lên thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn trên 75%; tỷ lệ đường ngõ xóm, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa đạt trên 95%; đường trục chính giao thông nội đồng được bê tông, cứng hóa đạt 62,7%.
Hiện có 7 xã đã đạt tiêu chí về giao thông, chỉ còn lại 3 xã Tam Vinh, Tam Lãnh và Tam Lộc chưa hoàn thành.
Lĩnh vực hạ tầng, thủy lợi cũng được huyện chú trọng đầu tư xây dựng, đến nay kênh mương loại III được kiên cố đạt 74,2%; 10/10 xã đã có HTX, tổ hợp tác quản lý công trình thủy lợi, kênh mương phục vụ SX.
Cũng vì thế mà 7/10 xã đạt tiêu chí thủy lợi. Bên cạnh đó, các tiêu chí điện nông thôn, trường học, bưu điện, chợ nông thôn… đến nay đã hoàn thành.
Không chỉ chú trọng về cơ sở hạ tầng, trong quá trình xây dựng, Phú Ninh tập trung đầu tư nâng cao thu nhập cho người dân.
Trong khoảng thời ngắn ngủi, thế nhưng đời sống kinh tế người dân được nâng lên rõ rệt, đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng/người/năm, tăng 11,6 triệu đồng so với năm 2010. Hiện 9/10 xã hoàn thành tiêu chí này.
Ngoài ra, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 4,4%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên 43.431/47.705 lao động.
Quyết tâm cán đích
Phú Ninh đề ra mục tiêu, đến cuối 2015, có 8/10 xã đạt chuẩn NTM, huyện được công nhận đạt chuẩn NTM.
Theo đó, Phú Ninh phấn đấu các xã Tam Phước, Tam Thành, Tam An tiếp tục thực hiện giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được. Còn các xã Tam Đàn, Tam Dân, Tam Thái, Tam Vinh, Tam Đại phấn đấu đạt 19/19 tiêu chí vào cuối năm nay. Riêng 2 xã Tam Lãnh, Tam Lộc đạt ít nhất 15 tiêu chí.
Ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, cho biết để đạt được kết quả nói trên, Trung ương và tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ, theo đó, ưu tiên vốn lồng ghép từ các Chương trình MTQG, dự án để hỗ trợ cho huyện xây dựng NTM, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội như: Chợ nông thôn, giao thông liên vùng, thủy lợi, khu và cụm công nghiệp.
“Tỉnh sớm tạm ứng nguồn vốn cho xã Tam Đại trong năm 2015 để địa phương triển khai đạt chuẩn NTM theo kế hoạch, đồng thời bố trí kinh phí phát triển SX để hỗ trợ nâng cao đời sống cho người dân”, ông Ninh kiến nghị.
Đáp nhu cầu về vốn, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định phê duyệt kế hoạch xây dựng huyện Phú Ninh đạt chuẩn NTM vào năm 2015 và đồng ý cấp cho huyện Phú Ninh hơn 69 tỷ đồng trong năm 2015, trong đó ngân sách Trung ương và tỉnh 38 tỷ đồng; huyện, xã và các nguồn khác 31 tỷ đồng.
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, yêu cầu huyện Phú Ninh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục tiêu xây dựng Phú Ninh thành huyện NTM vào năm 2015.
Phú Ninh là 1 trong 6 huyện được Ban Chỉ đạo Trung ương chọn chỉ đạo điểm xây dựng NTM. Trong giai đoạn 2011-2014, tổng vốn thực hiện trên địa bàn huyện Phú Ninh hơn 780,8 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương và tỉnh 45,8 tỷ đồng; lồng ghép các chương trình 299 tỷ đồng đồng, ngân sách huyện 75,4 tỷ đồng, xã 21 tỷ đồng, tín dụng 138,5 tỷ đồng, DN và HTX 119,8 tỷ đồng và người dân tham gia đóng góp 81,1 tỷ đồng.
Theo ông Thu, Phú Ninh cần lồng ghép, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ các Chương trình MTQG, nguồn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn từ ngân sách nhà nước.
uy nhiên, huyện tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ các DN, vốn tín dụng thương mại, tín dụng Nhà nước và các nguồn huy động hợp pháp khác. Đặc biệt, phát huy nội lực của cộng đồng, vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của...
Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo phát triển SX, chuyển đổi mạnh cơ cấu SX, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và đa dạng hóa thu nhập của cư dân nông thôn.
Triển khai thực hiện tốt quy hoạch SXNN đã được phê duyệt theo hướng phát triển hàng hóa, đảm bảo tính bền vững; chuyển dịch mạnh cơ cấu nội ngành theo hướng tỷ trọng các ngành hàng có thể mạnh của từng địa phương.
Đặc biệt đẩy mạnh hợp tác, liên kết, liên doanh xây dựng cánh đồng lớn, giúp nông dân giải quyết đầu vào, đầu ra cho sản phẩm; ứng dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa giảm tổn thất sau thu hoạch, nhằm phát huy có hiệu quả SX, nhất là đối với các diện tích đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa.
“Các xã của huyện cần xác định ít nhất 1-2 sản phẩm chủ lực, có ưu thế ở địa phương để phát triển SX hàng hóa, trước mắt tập trung vào những sản phẩm chính mà xã đang làm, có lợi thế cạnh tranh và có thị trường ổn định, thúc đẩy hợp tác, liên kết phát triển chuỗi giá trị, đăng ký thương hiệu để nâng cao hiệu quả giá trị sản phẩm chủ lực”, ông Thu chỉ đạo.
Theo: nongnghiep.vn