Mở rộng diện tích trồng
Mục tiêu mà đề án đặt ra là đến năm 2015 đạt 5.000-5.500ha RAT. Hàng năm, Sở NNPTNT Hà Nội đã giao Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương rà soát, định vị các vùng sản xuất RAT tập trung để quản lý, giám sát và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT.
Một vùng trồng RAT tại xã Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội. |
Đến năm 2012, thành phố đã đạt 3.800ha RAT (chủ yếu vùng chuyên rau), phân bổ ở 93 xã trọng điểm rau, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT. Năm 2013, thành phố đã định vị và sẽ mở rộng lên 4.500ha RAT, phân bổ ở 166 xã (tăng 700ha so với năm 2012). Phấn đấu đến năm 2015 đạt 6.000- 6.200ha RAT với sản lượng 320.000-350.000 tấn/năm. Theo ông Nguyễn Hồng Anh- Phó trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, để gây dựng thương hiệu RAT trên thị trường là cả một bài toán khó, phải thực hiện nghiêm túc từ khâu quản lý, chỉ đạo phát triển sản xuất RAT. Nông dân được đào tạo, huấn luyện về sản xuất RAT thông qua nhiều hình thức.
Nhiều giải pháp tiêu thụ RAT
Hiện tại, toàn thành phố có 58 cửa hàng, điểm bán RAT được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh RAT, sản lượng tiêu thụ trung bình từ 50-120kg/cửa hàng/ngày; 35 siêu thị đang tiêu thụ RAT, sản lượng tiêu thụ trung bình từ 50-120kg/ngày.
Để người tiêu dùng có lòng tin vững chắc vào các cửa hàng bán RAT trên địa bàn thành phố, từ tháng 9.2012, Sở NNPTNT đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp triển khai dán tem nhận diện “RAT Hà Nội”. Trước mắt đã lựa chọn 29 cơ sở sản xuất RAT để thí điểm. Mỗi cơ sở được cấp một mã số đóng lên tem nhận diện để phục vụ tra cứu và quản lý nguồn gốc xuất xứ sản phẩm RAT do địa phương sản xuất. Hệ thống mã số này được đưa lên sàn giao dịch cùng với số điện thoại của các cơ sở sản xuất để người tiêu dùng có thể tra cứu, kiểm soát nguồn gốc RAT. Đồng thời, để “nối” RAT đến người tiêu dùng, Sở NNPTNT Hà Nội có triển khai thêm hình thức cung cấp RAT tận nhà, người dân chỉ cần gọi điện đặt hàng. Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng - một người dân ở Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thường phải ra điểm bán rau quả sạch tại 123 Hồ Tùng Mậu, Từ Liêm, nhưng khi có dịch vụ RAT đến tận nhà thì thuận tiện hơn nhiều”.
Ông Nguyễn Hồng Anh cho biết: “Để có nguồn sản phẩm an toàn đưa về Hà Nội nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời tạo điều kiện đầu ra cho phát triển sản xuất rau quả an toàn từ các tỉnh, đề nghị Bộ NNPTNT, UBND TP. Hà Nội và UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho công tác phối hợp, quản lý chất lượng sản xuất rau, quả tươi an toàn đưa về Hà Nội, đặc biệt hỗ trợ ở các khâu truy xuất nguồn gốc, phân phối, quảng bá tiếp thị và tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội”.
Minh Hồng
danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn