Công ty Vitad đang tạo những bước đột phá mới trong liên kết sản xuất ngô sinh khối với nông dân Hà Tĩnh. Ảnh tư liệu
Mở rộng diện tích…
Năm 2016, mưa lũ “bao” gần như trọn vẹn vụ đông. Thời vụ được “chắt chiu” từng ngày. Lúc đó, ngô sinh khối và rau là lựa chọn cuối cùng của người nông dân. Đây là 2 sản phẩm “về đích” kế hoạch vụ đông 2016, thậm chí, ngô sinh khối còn vượt gần 400 ha, đạt 118% kế hoạch.
Đầu vụ sản xuất 2017, 2 cơn bão mạnh đã xóa trắng hàng nghìn héc-ta rau, ngô vụ đông mới gieo trỉa. Gắn với giải pháp an sinh, ngô sinh khối trở thành ưu tiên số 1 trong vụ đông 2017 (3.433 ha), ngô lấy hạt, rau được khuyến khích phủ kín diện tích.
Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “So với ngô lấy hạt truyền thống thì ngô sinh khối có thời gian sinh trưởng ngắn (80 - 85 ngày), phù hợp để các địa phương luân canh. Đây cũng là loại cây trồng phù hợp với nhiều chân đất, vùng sinh thái và hiện nay đang có đầu ra khá tốt”.
Các vùng sản xuất chính vụ đông tập trung ở Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ… Diện tích ngô ở đây chiếm trên 2/3 tổng diện tích toàn tỉnh. Ông Lê Quang Vinh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê cho biết: “Vụ đông này, huyện xây dựng ngô là sản phẩm chủ lực, theo đó, quyết tâm phủ kín 2.200 ha, trong đó, 800 ha ngô lấy hạt và 1.400 ha ngô sinh khối”.
Huyện Hương Sơn cũng “bám sát nút” với 2.100 ha cho cây trồng thế mạnh này. Trong khi đó, các huyện miền xuôi lại tập trung cho rau, củ, quả. Năm nay, cả 3 vùng sản xuất: Rau trên cát, rau chuyên canh và rau vườn hộ đều có sự gia tăng về diện tích. Chẳng hạn như ở Cẩm Xuyên, rau trên cát sẽ mở rộng gần gấp đôi so với năm 2016 (41,5 ha), các loại khác trên 600 ha.
Ông Trần Hữu Duyệt - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Phát triển sản xuất rau gắn với xây dựng vườn mẫu theo đề án mỗi xã một sản phẩm, vừa phát huy được thế mạnh của mô hình, vừa tăng thu nhập cho bà con nông dân”.
Toàn tỉnh năm nay có trên 4.200 ha rau các loại. Từ nhiều năm nay, đây vẫn là sản phẩm chủ lực của nhiều địa phương, thậm chí thu nhập từ rau, củ, quả vụ đông còn gấp nhiều lần các loại cây trồng khác nếu biết kích thích điểm mạnh của từng thị trường.
Che phủ cho cây trồng là cách né tránh an toàn thời tiết bất lợi trong vụ đông
Rải vụ - tăng thế cạnh tranh
Lợi thế thời gian sinh trưởng ngắn, thích ứng rộng và trồng được nhiều thời gian trong năm khiến nhiều địa phương coi ngô sinh khối là giải pháp thượng sách cho vụ đông năm nay. Điều quan trọng, ngoài ứng phó khí hậu khắc nghiệt thì thị trường tiêu thụ mới là mấu chốt làm nên sức cạnh tranh, tăng giá trị hàng hóa của sản phẩm.
Ông Trần Hữu Tuyên - Giám đốc Công ty Vitad cho biết: Mặc dù diện tích ngô của Hà Tĩnh rất lớn, nhưng vào những thời điểm “đắt hàng” lại thiếu sản phẩm. Chẳng hạn như thời điểm này, nhu cầu ngô sinh khối ở thị trường đang rất cao, giá tốt, nhưng nguồn cung không đáp ứng được, chúng tôi phải đặt hàng từ nhiều tỉnh khác. Thế nhưng, doanh nghiệp lại khó có thể “kham” hết diện tích liên kết trong vụ đông này.
“Xuống giống một lúc, thu hoạch một lúc, gây áp lực cho cả ký kết lẫn công tác thu mua. Các vùng có thể căn cứ vào khung lịch để giãn vụ sẽ có lợi thế hơn về giá cả, thị trường. Hiện tại, công ty đồng ý liên kết 1.000 ha, nếu các địa phương hợp tác về quy trình sản xuất (các vùng cách nhau 15-20 ngày) thì diện tích có thể tăng hơn” - ông Tuyên cho biết thêm.
Xét về khung thời vụ, các cây trồng được ngành nông nghiệp bố trí tập trung từ đầu tháng 9 đến hết tháng 11. Đối với ngô lấy hạt, trà đông sớm (110 - 115 ngày) thời vụ xuống giống kết thúc vào 5/10 và trà muộn nhất là đến 30/10 (trừ trà đông muộn - xuân sớm ở một số xã thuộc huyện Hương Khê); ngô sinh khối dao động từ giữa tháng 10 đến khoảng 25 - 30/10. Thời vụ của rau “dễ thở” cũng chỉ tập trung cao nhất trong 3 tháng (9 - 11). Nếu không, thời vụ sẽ “vướng” các cây trồng khác ở vụ sản xuất tiếp theo.
Không tìm được tiếng nói chung, nhiều địa phương “lòng như lửa đốt”. Ông Lê Ngọc Hà - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Năm nay, huyện cơ cấu sản xuất 60 ha ngô sinh khối. Thế nhưng, thời vụ đến gần thì hợp đồng vẫn chưa được ký kết”. Hay, ở Kỳ Anh, nhu cầu 500 ha nhưng cuối cùng phải thu lại còn 50 ha.
Mối quan hệ sản xuất - thị trường luôn là vấn đề của nền sản xuất nhỏ lẻ. Nhiều bài học đẫm nước mắt, như rau, bí vào thời điểm thu hoạch chính chỉ 1.000 đồng/kg, nông dân thất bại, doanh nghiệp “chạy làng”. Sau đợt lũ năm 2016, một doanh nghiệp đã đứng ra bao trọn sản phẩm ngô sinh khối, với điều kiện sản xuất rải vụ, tránh “dồn cục” để tìm thị trường. Đáp lại, nhiều xã thà bỏ cuộc!
Thế mới nói, các địa phương cần phải phân định giữa sản xuất đại trà và mũi nhọn. Sản phẩm hàng hóa chủ lực không thể đồng nghĩa với sản xuất ồ ạt, càng không phù hợp với hình thức luân canh. Thiếu quy hoạch, không tuân thủ nguyên tắc “đặt hàng” thì mọi sự thay đổi vẫn trở nên khập khiễng…
(Còn nữa)
Theo Nguyễn Oanh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn