Lò đốt rác của xã Dũng Nghĩa (Vũ Thư) đang trong giai đoạn hoàn thiện |
Ông Nguyễn Mạnh Đoan, Chủ tịch UBND xã Dũng Nghĩa cho biết: Trước đây, một bộ phận người dân chưa nhận thức rõ tác hại của ô nhiễm môi trường đến sản xuất, sức khỏe con người nên thường xuyên thải rác bừa bãi, việc xử lý nước thải, phân trong chăn nuôi chưa được nhiều người quan tâm. Song, để làm chuyển biến nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường không thể một sớm một chiều. Dũng Nghĩa hiện có 4 thôn với gần 1.600 hộ, đời sống kinh tế của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường, xác định đây là một tiêu chí khó, để sớm hoàn thành tiêu chí này, xã đã chú trọng tuyên truyền, vận động để bà con hiểu và cùng tham gia công tác bảo vệ môi trường. Bởi một khi nhận thức, thói quen, tập quán của người dân thay đổi thì công tác bảo vệ môi trường sẽ có hiệu quả. Các chương trình, kiến thức về bảo vệ môi trường được chuyển tải đến đông đảo tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức như: tập huấn, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông lồng ghép trong các buổi sinh hoạt của các đoàn thể. UBND xã đã tổ chức nhiều cuộc họp, mở lớp tập huấn về công tác vệ sinh môi trường nông thôn cho Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, các trường học.
Vào dịp kỷ niệm các ngày lễ và định kỳ ngày thứ bảy hàng tuần, Dũng Nghĩa phát động nhân dân làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải quanh nhà, giữ vệ sinh nguồn nước, trồng cây xanh góp phần bảo đảm môi trường xanh - sạch - đẹp; vận động nhân dân sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt, chế biến thực phẩm hàng ngày cho gia đình. Tuyên truyền, vận động các gia đình xây chuồng trại chăn nuôi hợp lý, xử lý nước thải sinh hoạt gia đình bảo đảm vệ sinh… Từ việc tuyên truyền vận động đến hướng dẫn các hoạt động bảo vệ môi trường đã thực sự đem lại hiệu quả thiết thực, bà con nhân dân đã nâng cao nhận thức, góp phần làm thay đổi những thói quen xấu, ảnh hưởng đến môi trường. Chuyển biến rõ nét nhất trong công tác vệ sinh môi trường ở Dũng Nghĩa là từ khi xã có chủ trương tiến hành xây dựng tổ thu gom rác thải tập trung. Với 4 thôn, mỗi thôn thành lập 1 tổ thu gom rác thải. Mỗi tổ thu gom rác được đầu tư một xe chở rác, quần áo bảo hộ, mũ, ủng, khẩu trang, xẻng xúc rác. Sau khi tổ thu gom rác thải đi vào hoạt động, 100% số hộ gia đình tự nguyện đóng góp lệ phí, các hộ đã có nơi chứa rác đúng quy định. Theo quy định, cứ 7 ngày/lần, các tổ tiến hành thu gom rác về nơi tập kết rác thải tập trung của xã. Do đó, việc đổ rác bừa bãi hiện không còn xảy ra. Chính quyền xã Dũng Nghĩa đã có nhiều hình thức hỗ trợ, quan tâm đến các tổ thu gom rác thải như đầu tư trang bị bảo hộ lao động, phương tiện chở rác đúng tiêu chuẩn.
Dự kiến thời gian tới, UBND xã trích ngân sách để đóng bảo hiểm y tế cho các nhân viên của tổ thu gom rác thải. Việc chính quyền địa phương đóng bảo hiểm y tế, đầu tư các dụng cụ bảo hộ lao động cho tổ thu gom rác thải hoạt động trong môi trường độc hại sẽ góp phần để người lao động yên tâm về sức khỏe của bản thân khi tiếp xúc với nhiều chất độc hại trong khi xử lý rác thải. Để việc xử lý rác hiệu quả, Dũng Nghĩa đã đầu tư xây dựng lò đốt rác theo công nghệ cải tiến trên diện tích 3.360m2 tại cánh đồng Rộc thôn Trà Động. Tổng kinh phí xây dựng 2,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 500 triệu đồng, còn lại là ngân sách của địa phương, dự kiến công suất khoảng 300kg rác mỗi giờ. Ngoài ra, tại địa phương, nhiều hộ chăn nuôi còn quan tâm đầu tư xây dựng các công trình xử lý nước thải, phân trong chăn nuôi, trồng cây xanh để bảo vệ môi trường, xây dựng hầm biogas... Bên cạnh đó, Dũng Nghĩa đang thực hiện những biện pháp quản lý nghĩa trang đúng với tiêu chí môi trường.
Ông Bùi Văn Dục, Tổ trưởng Tổ thu gom rác thải thôn Vô Thái cho biết: Xác định công tác bảo vệ môi trường không phải của riêng người dân nào trong thôn, do đó từ khi được thành lập tổ thu gom rác thải đến nay, các thành viên trong Tổ không quản ngại khó khăn vẫn động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bởi đây không chỉ là công việc góp thêm thu nhập mà trên hết là việc bảo vệ môi trường sống cho người dân trong thôn, cho chính gia đình mình. Nhờ đó mà hoạt động của Tổ thu gom rác thải được nhân dân đồng tình hưởng ứng, luôn để rác đúng nơi quy định, tạo cho thu gom rác thải thuận lợi. Tổ thu gom rác thải cũng là lực lượng nòng cốt tại các thôn giúp phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn môi trường sống xanh - sạch - đẹp ngay tại gia đình mình và thôn xóm.
Để hoạt động bảo vệ môi trường ngày càng lan tỏa, tiếp tục đi vào đời sống của nhân dân một cách hiệu quả hơn, trong thời gian tới, Dũng Nghĩa tiếp tục chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, duy trì và nhân rộng các mô hình về bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp. Với những nỗ lực trong cải thiện môi trường, Dũng Nghĩa đang phấn đấu sẽ đạt tiêu chí về môi trường trong năm nay, góp phần quan trọng để đạt 19/19 tiêu chí trong xây dựng NTM theo đúng lộ trình đã đề ra.
nguồn: baothaibinh.com.vn