Cơ chế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế, kinh phí quản lý cho cơ quan hành chính từng được kỳ vọng tăng hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước đồng thời tạo điều kiện “cải thiện” đời sống cho công chức. Thế nhưng, sau 6 năm triển khai, cơ chế này không đạt được kết quả như mong muốn.
Ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, thực hiện Nghị định 130/2005/NĐ-CP về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước, 17 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiết kiệm được 179 tỷ đồng, tương đương 13,66% kinh phí tự chủ được giao năm 2010. Còn tại 59 địa phương, số tiền tiết kiệm nhờ Nghị định 130/2005/NĐ-CP là 711 tỷ đồng, tương đương 8,9% số kinh phí tự chủ được giao năm 2010.
Không chỉ tiết kiệm được chi phí hành chính, 17 cơ quan cấp bộ còn tiết kiệm được 1.273 biên chế trong tổng số 21.734 biên chế được giao. Còn tại 59 địa phương, số biên chế tiết kiệm là 8.886 người trong tổng số 147.447 biên chế được giao.
Các cơ quan thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã triển khai nhiều biện pháp để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và sử dụng kinh phí được giao đúng mục đích, hiệu quả như ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý và sử dụng tài sản công, quy chế quản lý và sử dụng xe ôtô, định mức sử dụng điện thoại công vụ, công tác phí…
“Đây là cơ sở quan trọng để tạo nguồn chi trả thu nhập tăng thêm cho công chức với mức thu nhập tăng thêm bình quân đạt 0,1 - 0,5 lần mức tiền lương cấp bậc, chức vụ”, ông Tuấn cho biết.
Năm 2011, các cơ quan hành chính trên địa bàn Hà Nội tiết kiệm được 128 tỷ đồng, tương đương 15% kinh phí được giao.
“Số tiền tiết kiệm này đã tăng được thu nhập cho công chức bình quân mỗi người được 1-2 triệu đồng/tháng, nhưng hiệu quả công việc đối với từng cơ quan, từng công chức thì chưa thể đánh giá được vì chưa có tiêu chí đánh giá chất lượng, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng công chức, từng cơ quan quản lý nhà nước”, ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết.
Tuy nhiên, do giá cả hàng hoá, dịch vụ tăng quá mạnh, đặc biệt là việc tăng giá điện (chỉ riêng năm 2011 giá điện đã tăng 2 lần) đã gây áp lực cho cơ quan hành chính trong việc tăng thu nhập cho công chức và ảnh hưởng đến chất lượng công việc của cơ quan công quyền.
“Định mức giao kinh phí quản lý hành chính quá thấp trong khi giá văn phòng phẩm, giá nước sạch sinh hoạt, đặc biệt là giá điện tăng nên năm 2011, các cơ quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường hầu như không tiết kiệm được đồng nào để tăng thu nhập cho công chức”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết.
Ông Hiển tính toán, với mức khoá kinh phí hành chính 19 triệu đồng/công chức/năm chỉ đủ trang trải tiền công tác phí, mua sắm trang thiết bị, trả tiền điện nước và văn phòng phẩm, thông tin liên lạc nên nhiều cơ quan quản lý nhà nước không thể tiết kiệm được đồng nào để “cải thiện” cuộc sống cho công chức như mục tiêu của Nghị định 130/2005/NĐ-CP đặt ra.
Ông Trần Anh Tuấn cũng thừa nhận, trước tình trạng giá văn phòng phẩm, điện nước, điện, xăng dầu… tăng quá mạnh, do quá quan tâm đến việc tìm nguồn để nâng thu nhập cho công chức đã dẫn đến tình trạng chất lượng, hiệu quả công việc của hoạt động hành chính công tại nhiều cơ quan quản lý nhà nước bị hạn chế do bị cắt giảm hoặc không thực hiện đầy đủ các công đoạn, nhiệm vụ nhằm tăng kinh phí tiết kiệm - tạo nguồn để “cải thiện” đời sống cho công chức nhà nước.
“Ngoài ra, tại một số bộ, ngành thực hiện giao kinh phí tự chủ đối với các nội dung chi nghiệp vụ đặc thù, nhưng do chưa xác định rõ khối lượng công việc đặc thù, vì vậy, việc thẩm định giao dự toán kinh phí tự chủ chưa chính xác, cuối năm không thực hiện hết nhiệm vụ, thừa kinh phí nhưng vẫn được cơ quan hành chính coi là kinh phí tiết kiệm để tăng thu nhập”, ông Tuấn cho biết.
Ngay cả mục tiêu giảm biên chế khi giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ quan hành chính, theo ông Tuấn cũng không đạt được kết quả do việc xác định định mức ngân sách giao tự chủ chủ yếu căn cứ vào biên chế chứ không gắn với kết quả, chất lượng công việc. Vì vậy, các cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương luôn có xu hướng đề nghị tăng biên chế để được giao tăng kinh phí tự chủ.
Mạnh Bôn