15:25 EST Thứ sáu, 27/12/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới » Tin trong nước


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Đường mới vượt đèo về Cùng Lũng

Thứ ba - 12/01/2016 20:54
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được phát động cùng thời điểm cả nước đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nên được toàn xã hội rất quan tâm, hưởng ứng. Chương trình ngày càng đi vào chiều sâu và lan tỏa mạnh mẽ, đặc biệt ở vùng cao biên giới, hải đảo…, mang lại sự đổi thay rõ rệt cho diện mạo nông thôn, miền núi và đời sống nhân dân. Và xã Dìn Chin (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) là một trong những “điểm sáng”.
 

Niềm vui của bộ đội, cán bộ, nhân dân trên con đường mới mở.

 

Xã Dìn Chin thuộc địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai), nằm phía đông bắc huyện Mường Khương, cách trung tâm huyện lỵ 25km. Dân tộc Mông chiếm phần lớn dân số ở đây, bên cạnh đó còn có người Nùng, Tày… Xã là một trong những địa bàn biên giới nghèo nhất tỉnh, mà một trong những nguyên nhân là do đường sá đi lại khó khăn, trình độ dân trí chưa cao; hằng năm xã phải nhận hỗ trợ rất nhiều từ Nhà nước. Những lần xuống cơ sở, cán bộ và chiến sĩ Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu thường trăn trở nhiều về đời sống của nhân dân trong xã, nhất là việc đi lại. Người dân muốn đến thăm nhau hoặc giao lưu giữa các thôn còn khó khăn, cuộc sống vẫn chỉ “giậm chân tại chỗ” với vòng luẩn quẩn: Đường khó đi-khó phát triển kinh tế; cuộc sống sao hết khổ được?

Từ khi nhận nhiệm vụ là lực lượng thường trực của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh giúp xã Dìn Chin xây dựng nông thôn mới, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu cùng với niềm vui, tự hào cũng chất chứa nỗi lo, nhất là các đồng chí trong ban chỉ huy đồn. Không lo sao được khi đây là nhiệm vụ không phải chỉ riêng của đồn mà là nhiệm vụ của toàn lực lượng BĐBP tỉnh; là minh chứng cho sự gắn bó thân thiết “đồng bào các dân tộc là anh em”. Nhưng giúp gì, phải bắt đầu từ đâu? Mà đã giúp là phải "ra tấm ra món”, phải thiết thực, hiệu quả, chứ không phải trống giong cờ mở, tuyên truyền vận động chung chung... Bà con đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao rất trọng lời hứa, thích người thật việc thật chứ không ưa lý luận dài dòng. Niềm tin của họ đặt vào hiệu quả và chất lượng công việc chứ không ưa phô trương. “Chỉ có làm đường là thiết thực nhất để giải quyết khó khăn trong cuộc sống người vùng cao Dìn Chin” - Ban chỉ huy đồn thống nhất như vậy.

Được xã tư vấn và qua khảo sát, ban chỉ huy đồn thống nhất phương án giúp xã xây dựng con đường vào thôn Cùng Lũng. Phương án này nhanh chóng được Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đồng ý. Cùng Lũng là thôn người Mông với hơn 30 nóc nhà nằm ngay bên kia sườn núi, sau trụ sở ủy ban xã. Tiếng là gần ủy ban, nhưng Cùng Lũng vẫn như nằm trên ốc đảo, gần như biệt lập với bên ngoài. Con đường lên thôn dài mấy trăm mét mà xe gắn máy không thể vào được. Đường đã nhỏ lại gồ ghề, trâu bò đi lâu ngày thành vệt, chỗ cao chỗ thấp; trời nắng thì bụi mù và đặc mùi phân bò, phân ngựa; trời mưa thì chỉ còn cách… đi ủng. Người có xe gắn máy muốn vào thôn phải gửi xe ngoài phân hiệu trường tiểu học ở đầu thôn rồi đi bộ vào. Muốn bán tạ ngô, con lợn hay mua bao phân bón về làm nương, bao xi măng về sửa nhà thì nhà nào nhà nấy vợ chồng con cái hè nhau ra tận đầu thôn mà khênh vác!

Khi biết đồn biên phòng và xã có chương trình phối hợp làm đường, bà con trong thôn phấn khởi lắm. Nhà nọ kháo nhà kia: “Sắp có đường rồi. Nhưng muốn sớm có đường, mình cũng tham gia làm đường cho mình chứ!”. Trưởng thôn đi giao ban, tuần nào cũng hỏi chủ tịch xã: “Bao giờ làm?”. Bà con đi chợ qua đồn cũng hỏi bộ đội: “Hôm nào làm đường đấy bộ đội?…”. Không khí rộn ràng. Ai cũng háo hức chờ đón ngày khởi công như chờ đón một sự kiện trọng đại của thôn bản!

Kinh phí của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã cấp. Đồn và xã đã hạ quyết tâm, cái bụng của người dân đã quá ưng thuận, nhiều gia đình đã sẵn sàng bớt đi một phần nương của mình để con đường thêm đẹp. Nhưng hóa ra làm một con đường dù nhỏ cũng không hề đơn giản. Việc đầu tiên là phải mang chiếc máy trộn bê tông nặng hơn một tấn vượt con dốc cao vào đầu thôn. Kinh nghiệm kéo pháo vào Điện Biên Phủ năm xưa của cha ông ta được áp dụng. Người dây thừng, người đòn bẩy, dân đẩy, bộ đội kéo… Trưởng thôn Sùng Seo Sử mồ hôi nhễ nhại đứng trên mô đất cao chỉ huy: “Hai... ba... nào...! Một... hai... ba... nào...”. Lúc thì Sử hô bằng tiếng phổ thông, lúc thì bằng tiếng Mông làm mọi người đang mệt cũng phải bật cười. Rồi mấy chục khối cát, mấy chục khối sỏi, hơn chục tấn xi măng tập kết ở đầu đường đã được đưa lên vai bộ đội và bà con “cõng” vào thôn. Thanh niên trai tráng vác xi măng, gùi sỏi, các cô gái địu cát trên lù cở, những người phụ nữ địu con nhỏ trên lưng không thể mang vác được thì xúc sỏi, xúc cát. Từng địu, từng địu; từng chuyến, từng chuyến như đàn kiến tha mồi. Đống sỏi, đống cát ngoài đường vơi dần, xi măng đã vào đến chân máy trộn. Đúng là “khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Khi người dân đã đồng thuận thì lòng nhiệt tình của họ không gì có thể so sánh được!

Nhưng khi tất cả đã sẵn sàng thì mọi người mới ồ lên: Trong bốn thành phần cấu tạo của bê tông gồm: Cát, sỏi, xi măng, nước thì lại thiếu cái thứ tư, tưởng nhỏ nhất mà hóa ra thành cái khó nhất. Làm thế nào bây giờ? Chẳng lẽ lại bó tay chờ mưa, mà mưa xuống có nước, nhưng đường nhão nhoét, làm sao đổ bê tông được? Ở đây thiếu nước nghiêm trọng, chả thế người ta thường ví nơi đây là “Trường Sa cạn”; đến nước ăn bà con phải đi gùi từ thôn bên về từng can thì lấy đâu ra nước để làm đường? Mọi người còn đang căng óc ra nghĩ cách thì Chủ tịch UBND xã Giàng Chẩn Diu chợt reo lên:

- Có cách rồi, tôi nhớ bên thôn Sín Chải có nguồn nước nhỏ, chỗ đỉnh dốc cuối thôn. Để tôi sang nói với họ nhường cho chúng ta lấy nước ở bên đó vài hôm, mua mấy trăm mét ống nhựa vượt qua quả đồi kia rồi dùng máy bơm hút về đầu thôn, tiếp đến lại dùng can gùi xuống vậy. Bà con thấy được không?

"Được đấy, đúng đấy!" - Tất cả reo lên. Lúc đó mọi người mới thấy ông chủ tịch xã rất am hiểu tình hình địa phương, biết cách xử trí nhanh tình huống, khi gặp cái khó đã “ló” ngay cái khôn!

Có đủ nguyên vật liệu, nước, có sức người, sức máy…, cả một tuyến đường sôi động. Tiếng máy nổ sình sịch xen lẫn tiếng trộn bê tông ràn rạt… Mọi người ai vào việc nấy như một dây chuyền sản xuất. Tất cả đều tự giác, hăng say làm việc, không cần ai chỉ đạo. Phó bí thư Đảng ủy xã đứng máy trộn, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch xã tham gia đẩy xe, Phó chỉ huy Đồn Biên phòng vừa lo kỹ thuật, vừa chỉ huy đổ bê tông, Chính trị viên cùng bà con bốc, vác vật liệu. Thiếu úy Nguyễn Văn Đạt vừa tốt nghiệp trung cấp biên phòng như đã học được “ngón nghề” đứng máy trộn bê tông từ bao giờ. Tay côn, tay số nhịp nhàng như công nhân đứng máy dệt, mồ hôi lấm tấm trên gương mặt.

Mấy chàng lính trẻ vừa kéo xe vừa trêu đùa mấy cô gái bản, làm các em vừa đỏ mặt vừa thì thầm với nhau câu gì đó bằng tiếng dân tộc rồi đẩy nhau cười khúc khích. “Tôi biết tiếng Mông đấy nhé!” - Chính trị viên phó bấy lâu đang mải tìm chỗ đặt biển tên cho con đường, bất chợt chen vào làm các cô gái cùng cười phá lên vui vẻ.

Một mét, năm mét… mười mét... một trăm, hai trăm mét…, con đường bê tông phẳng lỳ cứ từ từ hiện ra như có phép màu, như dải lụa “vắt” từ gốc cây nghiến đầu thôn vòng qua mỏm đá trước cửa rừng, vượt qua những nương ngô, nương đậu tương, ruộng lúa… Màu xanh ngút mắt của hoa màu như tô điểm cho con đường thêm mềm mại, thơ mộng hơn trước khi nhập vào đường lớn ra xã, xuống huyện, về tỉnh…

Sau những ngày vất vả mà thật vui, thắm tình “quân với dân một ý chí”, con đường về thôn Cùng Lũng đã hoàn thành. Bà con nhân dân, từ ông trưởng thôn đến các em nhỏ; cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu, từ chính trị viên, đồn trưởng đến chiến sĩ, binh nhì; cán bộ xã Dìn Chin, từ chủ tịch xã đến cô trí thức trẻ tình nguyện… không ai bảo ai, trong mắt mỗi người đều ánh lên niềm vui. Đường từ tỉnh đến huyện, đến xã đã có Nhà nước lo, đường từ xã về thôn là con đường của tình nghĩa, của BĐBP, của chính quyền địa phương và nhân dân cùng góp sức. Con đường đến với dân, mang đến ấm no hạnh phúc, làm vơi đi những khó khăn, lạc hậu mà người dân nơi đây từng phải gánh chịu bao đời.

Cuối năm, trong nhiều gia đình người Mông ở Cùng Lũng, ngô lúa đã đầy bồ; đàn gà, đàn lợn thêm đông. Có con đường mới xuống bản được bê tông hóa, những chiếc xe gắn máy chở những sọt, những bao tải hàng hóa nông sản, gia súc, gia cầm… đi lại dễ dàng, thuận tiện, khiến lòng dân như mở cờ trong bụng. Có con đường mới, trẻ em vui đến trường, mọi người dễ dàng qua lại thăm nhau, ánh mắt, nụ cười thêm vui. BĐBP vào thôn, ai cũng níu kéo mời vào nhà uống nước và lại chuyện trò râm ran về ngày làm đường vất vả, nhưng thật vui và thắm tình quân dân...

Phía bên kia sườn núi, mấy con đường đi Phìn Chư, Lồ Sử Thàng cũng đã khởi công…
 

Nguồn: qdnd.vn

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 195

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 194


Hôm nayHôm nay : 37396

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1205717

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 72888426