Nhìn con đường bê tông đang thành hình từ chính bàn tay mình, dân thôn Ri Nầm, xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei (Kon Tum) không khỏi ngỡ ngàng.
Buổi sáng ông mặt trời vừa thức giấc, thôn Ri Nầm ai nấy đều đã tất bật vì dân làng tổ chức thi công tuyến đường liên xã. A Văn- trưởng thôn Ri Nầm cho biết: Con đường này Nhà nước hỗ trợ vật liệu, máy móc, dân làng góp công. Để không ảnh hưởng đến sản xuất, 4 xóm trong thôn mỗi ngày cử ra 4 đội thay phiên nhau. “Mình là trưởng thôn nhưng cũng tham gia đóng góp sức bình đẳng như bà con. Các cán bộ khác cũng đều như vậy” – A Văn kể
Dân thôn Ri Nầm góp công làm đường giao thông.
Chuyện góp công lao động để làm đường cho chính mình đi bây giờ có vẻ không có gì đáng kể. Thế nhưng với dân thôn Ri Nầm thì đấy là một bước nhảy về sự thay đổi nhận thức từ ngày có “thực”. Quá khứ đói nghèo của Ri Nầm kể thì dài lắm… Cách đây chừng 10 năm, thoát nghèo chỉ là điều mơ ước của đồng bào Giẻ Triêng nơi đây. Hiểu rằng phải thay đổi nếp nghĩ, nếp làm, cuộc sống của bà con mới thay đổi được, chính quyền địa phương đã quyết tâm vận động đồng bào trồng cao su để xóa nghèo... Khi vận động cũng lắm trầy trật vì bà con nói cái lý “cao su không ăn được như lúa, như mì”. Xã phải chọn những người tích cực ra làm trước, lấy hiệu quả thu nhập của những gia đình đi tiên phong thuyết phục bà con… A Văn chỉ vào rừng cao su xanh ngắt quanh thôn nói với chúng tôi: “Bây giờ thì ai cũng tin cây cao su rồi. Ri Nầm hiện có gần 70ha cao su, trong đó hơn một nửa đang chuẩn bị cho thu hoạch trong năm tới. Ngoài ra, dân trong làng còn liên kết với Công ty Cao su Kon Tum trồng 30ha nữa”. Nhờ vậy đời sống bà con khá hơn, có công sức, tiền của góp làm đường...
Chị Y Viên - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Môn cho biết: Ri Nầm là một trong những thôn tạo được sự chuyển biến nhanh về đời sống. Như ông bà vẫn nói “bụng no thì cái đầu sẽ sáng”. Tinh thần tự giác của bà con với công việc xã hội bây giờ là điều minh chứng…