Quan điểm của cơ quan soạn thảo (Bộ Công thương) đề nghị nhà nước không nên can thiệp vào giá điện để có được thị trường điện cạnh tranh toàn diện và thu hút đầu tư, khắc phục tình trạng thiếu điện như thời gian qua.
EVN được trao quyền, giá điện sẽ tăng lớn? |
UB KH,CN&MT cho rằng, việc thay đổi những quy định này mang tính tích cực ở khía cạnh tăng cường tính công khai minh bạch về giá và điều chỉnh giá điện; bảo đảm độ linh hoạt, hiệu quả trong quá trình điều hành, quản lý.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển lật lại vấn đề. Công nhận thực tế, Việt Nam đang định giá bán điện ở mức thấp hơn so với thị trường bình quân trong khu vực nên dẫn tới tình hình lỗ của Tập đoàn điện lực EVN nhưng ông Hiển cho rằng, quy định của luật Điện lực sẽ đối chọi với luật Giá sắp được thông qua với nội dung duy trì việc định giá mặt hàng này.
Ông Hiển phân tích, hiện ngành điện lực do DNNN độc quyền, cần có định giá để tránh tạo ra giá độc quyền, lợi nhuận độc quyền. Bối cảnh đang phải bình ổn thị trường hiện nay, ngoài chính sách tiền tệ cần thêm cả chính sách giá, nhà nước duy trì danh mục hàng hóa phải định giá.
“Tôi rất băn khoăn về luật này vì quy định quá nhiều loại giá và phí, tầng tầng lớp lớp, cộng dồn lại sẽ đẩy giá điện lên cao” – ông Hiển nêu ví dụ phí điều độ vận hành hệ thống điện, trái với quy định về phí, lệ phí.
Chung thắc mắc này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý lập luận, giá bán nếu do EVN quyết định sẽ không khách quan. Ông Lý cũng đặt câu hỏi: phí điều tiết đúng là một loại phí. Nếu áp dụng sẽ làm giá điện sẽ tăng lên bao nhiêu, tác động như thế nào?
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận: “Đúng là luật tạo cảm giác có rất nhiều loại phí, hệ quả sẽ chuyển thành nhiều loại giá. Đó là do chúng ta đang quá tình tái cơ cấu ngành điện, tách biệt các khâu từ truyền tải đến bán điện, có khâu giữ độc quyền nhà nước, có khâu xã hội hóa, có khâu độc quyền nhà nước, mỗi khâu có 1 loại giá. Nhưng đúng là cần thiết kế sao để tránh cảm giác quá nhiều loại phí, giá gây nặng nề. Ban soạn thảo xin tiếp thu”.
Về phí điều tiết điện lực, Bộ trưởng Hoàng phân trần, hoạt động điều tiết điện lực mang tính đặc thù sâu sắc – một nghề đòi hỏi kỹ thuật cao, nặng nhọc mà tiền lương thấp. Vì vậy, cần có một phương thức buộc các đơn vị phát điện nộp 1 khoản phí cho cơ quan điều tiết (chứ không phải người tiêu dùng phải trả).
Vẫn chưa chịu, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển hỏi vặn, quy định như dự luật, nhà nước có muốn điều tiết điện thì dùng “bàn tay” nào?
“Đúng là đưa quy định giá này thì linh hoạt, tốt hơn cho ngành điện nhưng nếu không làm chắc, cơ chế độc quyền sẽ lấn át. Tôi lo nhất chỗ này vì vai trò nhà nước quá mờ nhạt. Tôi lo luật này áp dụng, giá điện sẽ điều chỉnh lớn” – ông Hiển nghi ngại.
Chủ nhiệm UB tài chính, ngân sách đề xuất định hướng để Thủ tướng quy đinh giá bán lẻ điện bình quân. Giá này có tính đầy đủ chi phí hợp lý theo giá thị trường để “trị” hướng phát sinh giá độc quyền mà nhà nước không can thiệp, điều tiết được.
“Gật đầu” tán thành, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng tỏ ra bức xúc về quy định 8 loại giá phí điện lực: “Cơ chế thị trường mà có đến 8 loại giá thế này thì… chết”.
Ông Hùng cho rằng không nên định giá điện, chỉ nên đưa ra khung giá bình quân. Còn giá bán lẻ để đơn vị kinh doanh được tự chủ. Thực tế hiện đang có bất công trong việc phân chia tiền bán điện thu được trong nội bộ EVN, khâu sản xuất mức hưởng thụ hạn chế nên không thu hút được đầu tư. Trong khi khoản lỗ 40-50 nghìn tỷ đồng nhà nước không bù nổi vì lỗ này do giá định ra chứ không phải đã thực hành tiết kiệm, chống tiêu hao hiệu quả mà vẫn lỗ.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thanh minh, điều tiết của nhà nước về giá điện vẫn thể hiện như vừa qua đã điều tiết giá bán với 2 hộ sản xuất lớn là xi măng, sắt thép để chống hiện tượng thu lời trên giá bán sản phẩm có trợ giá điện; thực hiện hỗ trợ giá điện cho người nghèo…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn