Mới đây, tại hội nghị sơ kết sản xuất vụ hè thu, vụ mùa và cả năm 2016, đồng thời triển khai sản xuất vụ đông xuân 2016 - 2017 cho các tỉnh Duyên Hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó tổng cục trưởng Cục Thủy lợi cho hay, từ cuối năm 2014, El Nino ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, làm nền nhiệt độ tăng cao, lượng mưa bị thiếu hụt.
Chính nguyên nhân đó đã gây nên tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt và diễn ra trên diện rộng. Các khu vực bị ảnh hưởng nặng như Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Hiện El Nino đã kết thúc chu kỳ, thời tiết đang ở trạng thái trung gian, lượng mưa tăng so với cùng kỳ các năm 2014, 2015.
Tuy nhiên, theo ông Tỉnh, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm thời tiết thay đổi khó lường, nguy cơ hạn hán vẫn tiếp tục xảy ra. Tổng cục Thủy lợi báo cáo tình hình hạn hán, cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ hè thu, vụ mùa năm 2016 và kế hoạch vụ Đông Xuân năm 2016-2017.
Hạn hán ảnh hưởng liên tiếp từ vụ Đông Xuân năm 2014-2015 đến vụ hè thu năm 2016. Vụ Đông Xuân năm 2015-2016, hạn hán có cường độ mạnh; tuy nhiên, diện ảnh hưởng không rộng, chủ yếu tập trung tại các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Bình Định...
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2015, có khoảng 31.000ha lúa phải dừng sản xuất do thiếu nước; trong đó tỉnh Ninh Thuận 16.400ha, Khánh Hòa 10.200ha và Bình Thuận 4.700ha.
Cùng với đó, trên 10.000ha cây trồng bị ảnh hưởng đến năng suất; Vụ Đông Xuân 2015-2016 có gần 23.000ha diện tích trồng lúa phải dừng sản xuất do không đủ nước tưới; Vụ hè thu năm 2016 có khoảng 17.500 ha đất lúa phải dừng sản xuất.
Theo ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, thời tiết khô hạn và nắng nóng gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, nắng nóng kèm theo mưa giông xen kẽ làm phát sinh một số sâu hại. Đặc biệt, tại khu vực Tây Nguyên, trên cây cà phê xuất hiện rệp sáp, hại chủ yếu ở thời kỳ hoa-quả non, diện tích nhiễm 8.968ha tập trung ở Gia Lai và Đăk Nông.
Đối với cây mía, có hơn 99.000ha diện tích trồng thì có khoảng 1.200ha bị nhiễm sâu đục thân; bệnh trắng lá do Phytoplasma nhiễm 917ha. Các địa phương bị thiệt hại nặng nhất là Gia Lai, Đăk Lăk và Khánh Hòa.
Ngoài ra bệnh đỏ bẹ, bệnh rượu lá, bệnh đốm lá, gỉ sắt, rệp bẹ... hại mía chính vụ giai đoạn vươn lóng, tích lũy đường. Cây sắn diện tích trồng 184.000 ha, trong đó rệp sáp bột hồng gây hại trên 196ha, nặng 51,7ha phân bố chủ yếu ở Phú Yên và ở Đăk Lăc; nhện đỏ nhiễm 1.069ha, nặng 70ha, (chủ yếu ở Phú Yên, Quảng Nam); Bệnh chổi rồng nhiễm 150ha (Phú Yên).
Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát Triển nông thôn, Lê Quốc Doanh đã đánh giá rất cao các đơn vị mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các địa phương nỗ lực khắc phục vượt qua khó khăn.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, để đảm bảo hoạt động sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả và tiết kiệm nước tưới, ông Doanh đề nghị khi gieo sạ cần thực hiện đúng mật độ, đúng quy định, chọn những giống có uy tín chất lượng. Đồng thời, các địa phương cần chủ động chuyển đổi các giống cây trồng cho phù hợp với tình hình của địa phương.
Minh Trung
http://thoibaonganhang.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn