Sản xuất than không khói từ lõi ngô
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện cả nước có khoảng 800.000 ha ngô. Quá trình chế biến nông sản đã thải ra môi trường khoảng 1 triệu tấn lõi ngô mỗi năm. Riêng tỉnh Sơn La có diện tích trồng ngô khoảng 170.000 ha. Sau khi thu hoạch, hạt ngô được tách riêng để sử dụng, một lượng rất lớn lõi ngô (khoảng 200.000 tấn) thải ra ven đường gây ô nhiễm môi trường. |
Anh Giang Minh Thái, Phó Giám đốc Công ty TNHH Năng lượng Mộc Châu Xanh cho biết, với diện tích và sản lượng ngô đứng đầu cả nước, lượng lõi ngô của tỉnh Sơn La là rất lớn. Lõi ngô ẩm có thể sử dụng để bón cho đồng ruộng nhưng phải mất 2-3 năm mới thể phân hủy.
Vì vậy, ngoài sử dụng một phần rất nhỏ làm chất đốt hoặc trồng nấm, còn lại lõi ngô chủ yếu được người dân thải bỏ ra ngoài vệ đường, sông suối gây ô nhiễm môi trường.
Trước đó, bản thân anh Thái trước đâu cũng phải nhập chất đốt phục vụ cho hoạt động sản xuất của công ty mình. Nhận thấy lượng lõi ngô quá nhiều chưa được tận dụng nên anh và vài người bạn nghĩ cách ép lõi ngô thành than để sử dụng cho đỡ lãng phí.
Tuy nhiên, phải mất tới 2 năm mày mò thì anh Thái và cộng sự mới có được thành phẩm ưng ý và đưa vào ứng dụng.
Anh Giang Minh Thái, Phó Giám đốc Công ty TNHH Năng lượng Mộc Châu Xanh. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Nhận thấy tiềm năng từ sản phẩm, anh đã đầu tư dây chuyền sản xuất chuyên nghiệp để tận dụng loại phế phẩm. Năm 2015, công ty TNHH Năng lượng Mộc Châu Xanh chính thức được thành lập, đồng thời cũng là đơn vị đầu tiên sản xuất than hoạt tính từ lõi ngô.
Với nguyên liệu đầu vào gồm các phế phẩm, nông, lâm nghiệp như mùn cưa, trấu, lõi ngô, mùn tre, các cây thân mộc khô, khi nhà máy hoạt động ổn định, đạt trên 80% công suất thiết kế, cần tiêu thụ trên 15.000 tấn nguyên liệu/năm. Lõi ngô sau khi thu gom từ các xưởng xay xát sẽ đem nghiền nhỏ và trộn với một số phụ gia để đóng thành bánh than. Hoặc lõi ngô sau khi nghiền nhỏ được cho vào máy ép tạo thành những thanh củi lõi ngô (tương tự củi trấu).
Sản phẩm than không khói làm từ lõi ngô. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Quá trình đóng bánh và ép sẽ tạo ra một lực lớn, làm cho khối lượng riêng tăng lên, việc trộn thêm các phụ gia sẽ làm tăng độ cháy và làm cháy hoàn toàn, không tạo ra khí thải độc hại. Đây là giải pháp không chỉ tạo ra nguồn chất đốt mới có nhiệt lượng cao thay thế than đá mà còn giải quyết được lượng phế thải lõi ngô. Ngoài khả năng cháy tốt, nhiệt lượng cao, ít khói bụi, ít khí thải độc hại, sản xuất chất đốt từ lõi ngô còn góp phần giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường.
Giúp nông dân tăng thu nhập, bảo vệ môi trường
Sản phẩm than sinh học làm từ lõi ngô có nhiệt lượng từ 7.000 đến 8.500 calo/kg, cao hơn một số loại than cám, than bùn, than non và một số loại than đang khai thác tại các mỏ than Suối Bàng, Mường Lựm, Tô Pan... trên địa bàn tỉnh Sơn La. Thời gian cháy của 1 kg than này có thể kéo dài 200 phút, khi cháy không có khói và mùi. Hàm lượng carbon trong than sinh học có thể đạt từ 75 đến 85%.
Thanh ép nhiên liệu tuy có nhiệt lượng thấp hơn than đá 15-20% (20MJ/kg) nhưng có độ tro rất thấp (tối đa 5% khối lượng tổng) nên sử dụng hiệu quả hơn than đá, dầu, củi, khí gas. Ngoài việc xuất khẩu sang các nước, sản phẩm thanh ép nhiên liệu đốt và than sinh học còn có các khách hàng tiềm năng là những cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm sản có sử dụng hệ thống nhiệt, lò hơi hoạt động dân sinh...
Đa số công nhân làm việc trong xưởng sản xuất than là người dân địa phương. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Anh Giang Minh Thái cho biết, lõi ngô chủ yếu được thu mua ở 2 huyện Mộc Châu và Yên Châu (Sơn La). Việc sản xuất diễn ra quanh năm, không bị gián đoạn do mùa ngô ở vùng cao thường gối nhau giữa các vùng. Mỗi tấn lõi ngô sản xuất được 3 tạ than, giá thu mua là 1.100 đồng/kg, thành phẩm bán ra là 11.000 đồng/kg. Từ khâu mua nguyên liệu đến sản phẩm than cuối cùng mất khoảng nửa tháng.
Ngoài lõi ngô, công ty còn sử dụng các phế phẩm, phế liệu chế biến từ tre, gỗ, nông sản khác trên địa bàn. Trong đó, các sản phẩm than tre, than phong thủy ướp tinh dầu để trong phòng khách, phòng ngủ đang rất được người Nhật ưa chuộng.
Tại Việt Nam, nhiều quán ăn, nhà hàng trước đây thường dùng than tổ ong cho các hoạt động nấu nướng giờ đã chuyển sang dùng than từ lõi ngô như một giải pháp tiết kiệm chi phí, lại giảm được lượng khói đáng kể tỏa ra môi trường xung quanh.
Điều đáng nói là khí thải trong quá trình sản xuất được thu lại bằng đường ống tuần hoàn, không gây ô nhiễm môi trường. Hiện sản phẩm làm ra có đến 70% dành cho xuất khẩu sang các nước Ả Rập và Nhật Bản.
Với việc tận dụng, thu mua các nguồn phế phẩm, phế thải trong sản xuất, chế biến nông, lâm sản Công ty TNHH Năng lượng Mộc Châu Xanh đã góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, đồng thời tạo ra công việc ổn định cho khoảng 25 lao động với mức lương bình quân 4,5 – 5 triệu đồng/tháng.
Không chỉ có lõi ngô, tiềm năng về các loại phụ phẩm trong sản xuất nông, lâm nghiệp tại Sơn La và khu vực Tây Bắc là rất lớn. Việc khai khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm này trên diện rộng sẽ góp phần hạn chế việc sử dụng than đá trong công nghệ đốt gạch, sấy nông sản. Điều đó không chỉ đáp ứng nhu cầu về chất đốt mà còn góp phần đáng kể chống ô nhiễm môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Một số hình ảnh bên trong xưởng sản xuất than:
Theo Quỳnh Nguyễn/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn