Một góc khu đô thị mới Bắc An Khánh tại huyện Hoài Đức. Ảnh: Thành Nam |
Với lợi thế là vùng ven bãi sông Đáy và vùng ven đô, Hoài Đức đã phát triển một nền kinh tế tổng hợp. Ngoài nông nghiệp hàng hóa vùng bãi kết hợp du lịch sinh thái, Hoài Đức còn phát triển thương mại, dịch vụ, các khu đô thị, cơ cấu kinh tế bao gồm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp.
Đến cuối năm 2016, huyện Hoài Đức có 19/19 xã đạt chuẩn NTM. Năm 2017, Hoài Đức đã trở thành huyện NTM với 9/9 tiêu chí cấp huyện đều hoàn thành tốt, 95,2% người dân trên địa bàn hài lòng với kết quả xây dựng NTM. Đối với mỗi người dân nơi đây, NTM đã thực sự trở thành đòn bẩy, động lực để quê hương từng ngày đổi mới, đời sống thêm văn minh, hiện đại.
Sau dồn điền đổi thửa, trên địa bàn huyện Hoài Đức đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh, hiệu quả cao như vùng trồng nhãn chín muộn, bưởi đường Quế Dương, phật thủ Đắc Sở, Yên Sở; vùng trồng rau an toàn, chăn nuôi... Cụ thể, vùng chuyên canh tập trung cây ăn quả giá trị cao với tổng diện tích 540 ha, gồm, vùng nhãn chín muộn 120 ha, tại xã An Thượng, Đông La, Song Phương; Vùng trồng bưởi 230 ha, trong đó, riêng tại xã Cát Quế đã được cấp Giấy chứng nhận nhóm liên kết sản xuất bưởi an toàn… Ngoài các vùng sản xuất này, huyện còn có vùng trồng cam, táo mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với đó, các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất bước đầu được xây dựng, 43 hợp tác xã trên địa bàn huyện đã thực hiện tốt vai trò cung ứng dịch vụ và phục vụ sản xuất cho xã viên, thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất và giải quyết việc làm ở khu vực nông nghiệp.
Từ ngày xây dựng NTM, hoạt động sản xuất kinh doanh tại các làng nghề của huyện cũng có điều kiện để phát triển. Với 52 làng nghề truyền thống, hơn 1.300 doanh nghiệp, gần 11.200 hộ dân sản xuất kinh doanh đang từng ngày góp phần quan trọng vào nhịp độ tăng trưởng kinh tế 115%/năm của huyện, giải quyết việc làm cho trên 44.000 lao động. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người của Hoài Đức ước đạt 45,2 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,52%.
Hướng tới một đô thị mới của Thủ đô
Chuẩn NTM đã hoàn thành, việc tiếp tục xây dựng hạ tầng đồng bộ và hiện đại để trở thành một quận nội đô phía Tây của Thủ đô vào năm 2020, vừa là nhiệm vụ quan trọng mà Thành phố đặt ra, vừa là trách nhiệm tự thân để phát triển của Hoài Đức.
Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hoài Đức được quy hoạch là đô thị trung tâm, thuộc các phân khu đô thị S2, S3, S4 và GS.
Hoài Đức đang tạo một diện mạo của một vùng đô thị mới với 62 dự án đô thị, nhà ở đã và đang triển khai. Dần hình thành các khu đô thị mới hiện đại thu hút cư dân mọi miền đến sinh sống như: Khu đô thị Bắc An Khánh, Khu đô thị Nam An Khánh, Khu đô thị Geleximco, Khu nhà ở biệt thự sinh thái cao cấp An Khánh, Khu đô thị Vân Canh...
Dự án đường Vành đai 3,5 khởi công giai đoạn 1 vào tháng 10/2017, giai đoạn 2 của dự án và tuyến đê Tả Đáy kết hợp đường giao thông đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, dự kiến khởi công xây dựng trong quý III/2018. Các tuyến đường liên khu vực 1, đường liên khu vực 2, đường trục chính vùng bãi, 6 dự án giao thông khung theo quy hoạch phân khu đô thị, các tuyến đường bao các khu dân cư kết hợp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tiêu thoát nước… đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư.
Bí thư Huyện ủy Hoài Đức Vương Duy Hướng cho hay, những tiêu chí NTM hoàn thành tạo tiền đề để huyện Hoài Đức đặt ra mục tiêu cao hơn, phấn đấu sớm trở thành đô thị vệ tinh của thành phố Hà Nội. Huyện đã quy hoạch thành 2 vùng, phía Đông là vùng phát triển đô thị, phía Tây lập vùng phát triển nông nghiệp.
Trong xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, huyện đề xuất với thành phố Hà Nội cho cơ chế đặc thù, từ đó sớm hoàn thành các đường giao thông huyết mạch. 100% các đường trục huyện, xã, thôn đã được nâng cấp hoặc đầu tư xây mới.
“Hoài Đức đã và đang gắn xây dựng nông thôn mới với phát triển đô thị; nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp, khuyến khích phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng. Phấn đấu đến năm 2020 đạt được các tiêu chí để trở thành một quận của Thủ đô Hà Nội”, ông Hướng nhấn mạnh.
Theo Thành Nam/thanglong.chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn