Anh Sơn cho biết sau khi anh viết bức tâm thư gửi Bộ trưởng Cao Đức Phát thì trong khoảng 1 tháng qua, thông qua báo chí anh đã tiếp nhận được rất nhiều sự quan tâm, thông tin và phản hồi từ các cấp, từ Sở NNPTNT tỉnh nhà đến Viện Lúa ĐBSCL, Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp, nông thôn; Bộ NNPTNT...
“Tất cả những sự quan tâm ấy đều theo một chiều hướng sáng sủa, tích cực tháo gỡ những vướng mắc và hỗ trợ cho nông dân như Sở NNPTNT tỉnh Long An đang có kế hoạch quy hoạch lại vùng trồng trọt trên địa phương, nơi nào trồng cây gì, con gì cho hiệu quả. Lớn hơn thì Viện Lúa ĐBSCL, Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp, nông thôn cùng Bộ NNPTNT cũng đang có kế hoạch tái cơ cấu lại cây trồng vật nuôi với những giai đoạn phát triển cụ thể...” - anh Sơn cho hay.
“Khó khăn của nhà nông chúng tôi ví như là một con thuyền đang ì ạch di chuyển. Tôi muốn đẩy con thuyền này đi lên nhưng sức tôi lại quá bé nhỏ, nên tôi nhờ giới báo chí ủng hộ, đặc biệt là Nông Thôn Ngày Nay - tờ báo của nông dân, như là “mượn sức gió để đẩy thuyền”. Không ngờ là giới báo chí lại đồng tâm hiệp lực cùng với tôi đẩy con thuyền này đi lên, làm nhịp cầu nối giữa nông dân và Nhà nước” - anh Sơn viết trong thư cảm ơn gửi đến Bộ trưởng và báo chí.
Những động thái tích cực
Một trong những động thái tích cực mà anh Sơn rất ghi nhận là một tuần sau khi bức tâm thư của anh được đăng trên báo Nông Thôn Ngày Nay, đại diện Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí - nhà sản xuất đạm Phú Mỹ đã tới gặp gỡ và trao đổi thông tin với anh, giải thích cặn kẽ nguyên nhân vì sao giá bán sản phẩm cao hơn urê của Trung Quốc cùng loại nhập về. Nào là chất lượng ổn định, mẫu mã và bao bì bảo quản tốt, có địa chỉ rõ ràng và sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật bón phân, canh tác cho nông dân... “Nông dân chúng tôi rất cần những thông tin như vậy” - anh Sơn chia sẻ.
Về giá lúa, thông qua báo chí, anh Sơn cũng biết các doanh nghiệp, cơ quan chức năng đang tìm cách tháo gỡ. Điều này còn tùy thuộc vào giá cả thị trường. “Chúng tôi cũng hiểu không thể ép doanh nghiệp bán lỗ để nâng giá thu mua lúa lên. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ mong là 2 bên cùng chia sẻ trách nhiệm và lợi nhuận một cách công bằng, hợp lý. Không nên để cán cân nghiêng hẳn về một bên nào thì bên kia sẽ sụp đổ, kéo theo cả cái cân đổ vụn theo” - anh Sơn nói.
Để tránh thực trạng như nông dân miền Bắc, miền Trung đang bỏ ruộng vì lợi nhuận thấp, anh Sơn kiến nghị cần tập trung ruộng đất của bà con lại làm cánh đồng lớn theo kiểu liên kết 4 nhà, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, sẽ giúp giảm chi phí đầu vào và tăng lợi nhuận đầu ra cho nông dân. Qua đó, doanh nghiệp cũng có được nguồn cung ổn định, chất lượng.
“Những công ty lương thực thiếu tiềm lực có thể liên kết với các công ty thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và ban ngành nông nghiệp địa phương để cùng làm cánh đồng lớn như mô hình mà địa phương tôi đang làm. Chỉ cần các vị có tinh thần hợp tác, soạn thảo một hợp đồng liên kết chặt chẽ trên tinh thần cùng chia sẻ trách nhiệm và lợi nhuận một cách công bằng, hợp lý thì tôi tin rằng sẽ có những chuyển biến tốt cho ngành trồng lúa trong những năm tới” - anh Sơn khẳng định.