Khổ với điệp khúc được mùa mất giá
Năm 1987, ông Hoài đưa cả gia đình từ huyện Tân Trụ lên xã Khánh Hưng, lập nghiệp bằng nghề trồng lúa. Công việc nặng nhọc, vất vả, nhưng nhờ “thắt lưng buộc bụng”, lão nông Hoài cũng dần tích cóp để mua thêm đất trồng lúa. “Làm lúa thì cực mà giá lúa thì bấp bênh, đôi khi phụ thuộc tất cả vào thương lái nên nói chung là chỉ đủ ăn, mấy ai mà giàu nhờ trồng lúa đâu” - ông Hoài bộc bạch.
Lão nông Lưu Văn Hoài bên ruộng lúa được canh tác theo mô hình công nghệ cao. Ảnh: Q.H
Bên cạnh việc đẩy mạnh trồng lúa theo công nghệ cao, để nâng cao hiệu quả sản xuất, lợi nhuận cho bà con, HTX Hưng Phú đang mạnh dạn chuyển một phần đất lúa sang sản xuất cây ăn trái. Đến đầu năm 2018, đã có 10ha được chuyển sang trồng bưởi da xanh, bắt đầu cho thu hoạch. 20ha khác đang được chuyển sang trồng sầu riêng hạt lép xen mít. Theo tính toán của ông Hai Hoài, mỗi ha lúa 2 vụ, chỉ cho lợi nhuận 30 triệu đồng/năm, không bằng 2 công đất vườn. |
Trồng lúa thấy không hiệu quả cao, ông Hoài lại mày mò bắt chước nông dân các tỉnh, thành khác chuyển đổi sang hoa màu. Tuy nhiên, do chưa xác định được đầu ra, kỹ thuật cũng chưa tốt nên năm đầu tiên chuyển đổi (năm 2002) gia đình ông đã ăn... “quả đắng”.
“Năm đó tôi trồng tới 27 mẫu (ha, diện tích 10.000m2), nhưng bị mất trắng nên phải bán đi 16 mẫu đất để trả nợ. Chưa kể, bao nhiêu vốn tích cóp cũng đội nón ra đi theo các khoản vay mượn. Rồi có năm tôi trồng tới 47 mẫu dưa hấu nhưng bị giá thấp, lại vay nợ hoặc bán đất để trả nợ. Thế rồi tôi lại chuyển về trồng lúa với tâm trạng rất khó chịu. Phải thay đổi theo hướng nào đó chứ chẳng lẽ suốt đời trồng lúa” - ông Hoài nhớ lại.
Đến... lão nông 4.0
Trăn trở vì trồng lúa theo kiểu truyền thống vừa tốn sức lao động, lại không đạt hiệu quả cao. Sau nhiều lần đắn đo, lão nông Hoài quyết định mạnh dạn đầu tư các loại máy móc như máy xới, máy xúc, máy gặt đập liên hợp... để cơ giới hóa sản xuất trên diện tích đất lúa của gia đình và làm dịch vụ cho bà con trong vùng. Đặc biệt, ông cũng là người đầu tiên ở vùng biên giới nghèo khó này dám bỏ tiền ra đầu tư hẳn một máy san phẳng mặt ruộng bằng tia laser để giảm chi phí đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), tăng năng suất lúa. Tuy nhiên, tình trạng bị thương lái ép giá vẫn dai dẳng đeo bám khiến ông quyết định... “chơi lớn” vì ông nhận ra, phải liên kết các hộ lại thì mới nâng cao được hiệu quả sản xuất lúa, chất lượng sản phẩm và ổn định được đầu ra.
Với diện tích đất tích cóp nhiều năm vào khoảng 42ha, tháng 6.2015, ông Hoài quyết định thành lập HTX Hưng Phú. Khi thành lập, ông Hai Hoài đã đi vận động từng gia đình trong xã tham gia, kết quả có 69 hộ xã viên góp 300ha đất vào HTX đều là những hộ làm lúa. Nhờ tính nhiệt tình cùng với uy tín, luôn quan tâm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với bà con nông dân, ông Hoài được tín nhiệm bầu làm Giám đốc HTX.
Ông Bùi Văn Hiệu - Chủ tịch UBND xã Khánh Hưng cho biết, nhờ quy tụ được một diện tích lớn, làm ăn bài bản, có hiệu quả, nên trong vụ hè thu 2017, HTX Hưng Phú đã được tỉnh Long An chọn làm điểm xây dựng mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao (24 hộ với 50ha của HTX đã được chọn tham gia mô hình này). Nhờ đó, kết thúc vụ lúa hè thu 2017, những diện tích của HTX tham gia sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao đã làm giảm đáng kể lượng giống, phân bón, thuốc BVTV, tăng năng suất lúa, qua đó nâng cao được lợi nhuận cho các hộ xã viên. Cụ thể, giảm được chi phí từ 1 - 1,5 triệu đồng/ha, năng suất đạt từ 6,5 đến 7 tấn/ha, cá biệt còn đạt từ 8 - 9 tấn/ha, lợi nhuận tăng thêm từ 1,5 - 2 triệu đồng/ha...
“Nhờ hiệu quả của mô hình sản xuất theo công nghệ cao, nhiều hộ nông dân ở xã Khánh Hưng và các xã lân cận đang có mong muốn tham gia vào HTX Hưng Phú. Dựa trên nguyện vọng của các hộ đó, trong năm nay, HTX có thể mở rộng quy mô lên tới 700ha (gấp 2,5 lần hiện tại) để đáp ứng nhu cầu của bà con” - ông Hoài cho biết.
Theo: Quốc Hải/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn