Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Gia Lai, Tổng Bí thư chỉ rõ những thuận lợi cơ bản và cũng là tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương những kết quả nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, tăng cường quan hệ đối ngoại, làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư, những thành tựu đạt được chưa tương ứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Gia Lai hiện vẫn là tỉnh nghèo, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 38 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, môi trường đầu tư chưa tốt, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn những nhân tố phức tạp.
Về thế mạnh của tỉnh, Tổng Bí thư chỉ rõ Gia Lai có diện tích tự nhiên hơn 15.500 km2, rộng thứ 2 cả nước và rộng nhất khu vực Tây Nguyên; dân số hơn 1,4 triệu người gồm 34 dân tộc anh em. Tỉnh có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng (đất đỏ bazan) thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp (cà phê, cao su, hồ tiêu); có nhiều quặng khoáng sản quý, có tiềm năng phát triển thủy lợi, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử, có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường. Đây cũng là địa bàn chiến lược về quốc phòng-an ninh, nằm ở vị trí trung tâm của khu vực tam giác phát triển Việt Nam-Campuchia-Lào.
Chia sẻ với khó khăn, thách thức của tỉnh, đó là điểm xuất phát thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém; có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ, tập quán sản xuất, canh tác còn lạc hậu, mặt bằng dân trí, chất lượng nguồn nhân lực có hạn; các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách chống phá, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định an ninh, trật tự xã hội, Tổng Bí thư mong muốn Gia Lai huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn dân để vươn lên phát triển mạnh mẽ hơn, trở thành tỉnh có trình độ phát triển trung bình của cả nước.
Gia Lai cần tiếp tục đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm, đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác, xây dựng ý chí vươn lên mạnh mẽ, không cam chịu đói nghèo, yếu kém so với các tỉnh khác và so với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác dâng hoa tại "Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên". Ảnh: TTXVN |
Bên cạnh đó, Gia Lai cũng cần chú ý phát triển công nghiệp, du lịch; quan tâm phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thay đổi những tập quán, tập tục lạc hậu; đồng thời phải tổ chức, bố trí sắp xếp lại dân cư.
Tổng Bí thư nhắc nhở, Gia Lai phải quan tâm giải quyết thấu đáo vấn đề đất đai, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, giữ cho được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.
Đặc biệt, tỉnh phải thường xuyên chăm lo làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, trong đó then chốt của then chốt là công tác cán bộ. Phải ngăn chặn, đẩy lùi cho được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tỉnh cũng cần làm tốt công tác kiểm điểm phê bình và tự phê bình, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh.
Tổng Bí thư ghi nhận những kiến nghị chính đáng, xuất phát từ thực tiễn của Gia Lai, đồng thời đề nghị các bộ, ngành, cơ quan hữu quan cùng vào cuộc, tìm cách giải quyết, trong đó có việc giải quyết được ngay, có việc phải nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách, tìm giải pháp tháo gỡ.
Riêng dự án thủy lợi Ayun ở huyện Chư Sê, với sự hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan, địa phương cần hết sức nỗ lực để đến cuối nhiệm kỳ này sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
* Trước đó, sáng cùng ngày, Tổng Bí thư và đoàn công tác đã đến dâng hoa tại Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; thắp hương tại nơi thờ Bác Hồ tại Quảng trường Đại đoàn kết, ở trung tâm TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai.
(theo TTXVN)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn