Giá heo hơi hôm nay ở miền Bắc: Duy trì mức cao, nhiều người "thèm muốn" nhưng không dám vào đàn
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, giá heo hơi hôm nay 31/8 tại thị trường miền Bắc giữ ổn định, thương lái thu mua phổ biến từ 45.000 - 48.000 đồng/kg.
Trong đó, nhiều tỉnh có mức giá từ 47.000 - 48.000 đồng/kg như tại Lào Cai, Tuyên Quang, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ...
Khu vực Hà Nội, giá heo hơi hiện ở mức 47.000 đồng/kg. Cá biệt, một số nơi người chăn nuôi bán được với giá cao nhất 51.000 đồng/kg, tuy nhiên rất ít người bán được giá này, và phải là heo siêu loại 1 có mẫu mã đẹp, có giấy tờ kiểm dịch và xét nghiệm âm tính với dịch tả lợn châu Phi.
Với mức giá heo hơi tại miền Bắc như hiện nay, người chăn nuôi có lãi khoảng 500.000-600.000 đồng/tạ.
Chiều ngày 30/8, trao đổi với PV báo điện tử DANVIET.VN, ông Vũ Văn Kỳ ở xã Hải Triều, huyện Tiên Lữ (tỉnh Hưng Yên) xác nhận, giá heo hơi tại địa bàn xã Hải Triều đạt bình quân 47.000 - 48.000 đồng/kg, tăng khoảng 8.000 đồng/kg so với đầu tháng 7/2019 nhưng đang chững lại khoảng 1 tuần nay.
Giá heo hơi miền Bắc hôm nay 31/8 phổ biến từ 45.000-48.000 đồng/kg, cao nhất có nơi đạt 51.000 đồng/kg, giúp người chăn nuôi gỡ gạc được một phần thua lỗ do dịch bệnh và giá cả giảm sâu vài tháng trước. Ảnh: T.Q
Hiện trang trại nhà ông Kỳ đang có 1 đàn khoảng 50 con heo đạt trọng lượng 130-140kg/con. Mặc dù thương lái hỏi mua, nhưng ông chưa muốn bán ngay mà vẫn quyết đợi thêm vài ngày nữa, qua dịp lễ Quốc khánh 2/9 xem giá cả thị trường ra sao mới xuất chuồng.
Ông Kỳ cho biết "găm hàng" lúc này là liều lĩnh, bởi nếu không may dịch tả lợn châu Phi xuất hiện thì "mất cả chì lẫn chài". Nhưng hiện nay, tổng đàn lợn ở xã Hải Triều đã bị giảm tới 2/3 do thiệt hại bởi dịch bệnh, các trang trại quanh gia đình ông cũng bỏ hoang cho mạng nhện chăng đầy, nên chắc chắn giá lợn hơi sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Ông Kỳ tâm sự, điều ông và các chủ trang trại khác sợ nhất lúc này không phải là ế ẩm, giá giảm không tiêu thụ được mà lo dịch tả lợn châu Phi tấn công thì lại "tay trắng".
Hiện, trại của gia đình ông đang nuôi 40 heo nái, 600 heo thịt, trong đó khoảng 500 con đang đạt trọng lượng 70-80kg. Số heo này ông quyết định "găm" để cung ứng cho thị trường dịp Tết Nguyên đán.
Ông Kỳ thông tin: "Nhiều người thấy giá lợn hơi đang tăng cao thì "thèm" lắm, rất muốn tái đàn nhưng đành ngậm ngùi bỏ trống chuồng. Một phần vì họ đã cạn vốn sau khi bị "bão" dịch tả tấn công, phần vì giá heo giống hiện nay rất cao, từ 1,2-1,4 triệu đồng/con, lại thêm nguy cơ từ dịch tả lợn châu Phi nên tái đàn lúc này rất nguy hiểm. Với các chi phí đều tăng cao như hiện nay thì tới lúc xuất bán, giá heo hơi phải đạt ít nhất 50.000 đồng/kg bà con mới có lãi. Nhưng không ai biết được 5-6 tháng nữa, thị trường sẽ biến động thế nào".
"Quanh nhà tôi, hầu như các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều phải bỏ trống chuồng đi làm công nhân may, hoặc phụ hồ... Nhiều lúc chán nản tôi cũng muốn bỏ nghề, nhưng vì trót đâm lao phải theo lao. Hiện gia đình tôi vẫn đang nợ ngân hàng mấy trăm triệu, buộc phải bám lấy con lợn, bám lấy chuồng trại để còn có cơ hội gỡ gạc, lấy tiền trả nợ. Số nợ này cũng do cơn bão "khủng hoảng giá lợn" năm 2017 gây ra" - ông Kỳ chia sẻ.
Hiện, giá heo hơi tại Hưng Yên dao động từ 47.000-48.000 đồng/kg, mặc dù đang có lãi nhưng bà con nông dân không dám tái đàn vì sợ dịch bệnh. Ảnh: T.Q
Tương tự, Cẩm Hoàng từng được ví là “thủ phủ” chăn nuôi lợn của huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương), nhiều hộ dân ở đây sung túc nhờ nuôi lợn. Tuy nhiên, "đại dịch" tả lợn châu Phi quét qua đã khiến nhiều hộ ở đây bỗng chốc thất nghiệp.
Trước khi DTLCP xuất hiện, xã Cẩm Hoàng có 236 hộ chăn nuôi lợn với gần 13.000 con. Ngày 13.4, Cẩm Hoàng xuất hiện ổ dịch tả đầu tiên tại thôn Phí Xá. Và chỉ sau hơn 4 tháng, đã có 183 hộ có lợn bị dịch, 3.492 con lợn phải tiêu hủy, trong đó có 489 lợn nái.
Từng là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, nhưng dịch tả lợn châu Phi đã biến anh Nguyễn Danh Hội ở thôn Phượng Hoàng thành "con nợ" của ngân hàng với khoản vay 700 triệu đồng. Đợt dịch vừa qua, gia đình anh đã phải tiêu hủy toàn bộ số lợn trên 300 con, trong đó có 30 con nái. Sau khi trừ phần hỗ trợ của Nhà nước, anh Hội ước tính thiệt hại khoảng 150 triệu đồng. Giờ đây, chuồng trại bỏ không, việc làm không có, anh Hội sốt ruột quá đành tạm chuyển sang nuôi gia cầm để có đồng ra đồng vào trang trải sinh hoạt.
Giá heo hơi miền Nam: Vẫn lặng "sóng", chợ đầu mối tiêu thụ chậm
Theo Trung tâm Thông tin thương mại và công nghiệp (Bộ Công Thương), thị trường thịt lợn hơi tại miền Nam vài ngày gần đây không có biến động đáng kể.
Theo đó, giá heo hơi tại Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre..., dao động trong khoảng 42.000 - 43.000 đồng/kg; tại Tây Ninh, Long An, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu dao động từ 36.000 - 39.000 đồng/kg.
Tại các tỉnh miền Tây, chỉ có tỉnh Hậu Giang tăng thêm 1.000 đồng/kg, hiện đạt mốc 40.000 đồng/kg. Các tỉnh khác giá heo hơi hôm nay đạt từ 36.000-38.000 đồng/kg.
Ngày 30/8, chợ đầu mối Hóc Môn (TP.Hồ Chí Minh) về khoảng 5.500 con heo, song chợ bán rất chậm do là ngày mùng 1/8 âm lịch, nhiều người ăn chay không mua thịt lợn. Trước đó, lượng heo đổ về chợ này cũng liên tục ở mức cao, trên 6.000 con/ngày khiến thương lái tiêu thụ rất chật vật.
Giá heo hơi Trung Quốc tăng "khủng" Theo thông tin từ Hội Chăn nuôi Việt Nam, giá heo hơi trung bình ở 6 tỉnh Trung Quốc giáp với Việt Nam hiện đã tăng lên 85.000 đồng/kg. Người dân Trung Quốc đang trong tình trạng thiếu thịt heo nghiêm trọng. Và với tình hình dịch tả lợn châu Phi tại nước này vẫn chưa ngừng lây lan, các chuyên gia đều dự báo giá heo hơi còn tăng cao hơn nữa, thương lái Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm mua heo Việt Nam qua cửa tiểu ngạch. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn