Tình hình buôn bán tại chợ đầu mối gia súc - gia cầm Hà Nam khá thuận lợi, giá heo hơi hôm nay dao động từ 37.000 - 38.000 đồng/kg. Ảnh: T.Q
Ngày 20/6, trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Quang Sang - Trưởng Ban quản lý Chợ đầu mối gia súc - gia cầm Hà Nam (xã Bối Cầu, huyện Bình Lục) cho biết, so với cách đây khoảng 2 tuần, lượng lợn tiêu thụ tại chợ đã tăng lên gấp đôi, từ trên dưới 500 con/ngày lên khoảng 1.000 con lợn/ngày. Thương lái trong chợ đang thu mua lợn hơi với giá bình quân 37.000 - 38.000 đồng/kg.
"Mức giá này giảm khoảng 1.000 đồng/kg so với vài ngày trước, song đây vẫn là mức giá tốt. Hiện, giá thành chăn nuôi lợn đang vào khoảng 35.000 đồng/kg (tuỳ mô hình chăn nuôi) nên với mức giá lợn hơi hiện nay, nông dân đang có lãi. Chính vì thế mà bà con đã đẩy mạnh bán lợn ra chợ chứ không găm hàng như trước, điều đáng mừng là việc tiêu thụ khá thuận lợi, có bao nhiêu con lợn thương lái đều mua hết" - ông Sang thông tin.
Thương lái cân lợn hơi và đưa đi tiêu thụ. Ảnh: T.Q
Trước đó, khi trên địa bàn tỉnh Hà Nam xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi, giá heo hơi đã giảm mạnh, chỉ còn từ 27.000 - 30.000 đồng/kg đối với lợn siêu nạc. Trừ trường hợp một số trang trại phải bán chạy lợn vì sợ dịch tấn công, còn các trại an toàn bà con vẫn cố cầm cự, giữ hàng chờ giá tăng cao mới xuất chuồng.
Cũng theo ông Sang, do tình hình dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp, các địa bàn tăng cường kiểm soát việc giao dịch, buôn bán lợn hơi nên hạn chế xe chở lợn qua lại giữa các tỉnh. Ví dụ như các tỉnh Thái Bình, Nam Định đều bố trí chốt chặn ngay đầu cầu và các tuyến đường cửa ngõ dẫn vào tỉnh, kiểm soát rất chặt chẽ các xe chở lợn. Do đó, phần lớn lợn hơi ra chợ đầu mối có nguồn gốc tại địa phương (tập trung nhiều ở các xã Ngọc Lũ, Bồ Đề, An Ninh của huyện Bình Lục), và cũng chủ yếu giết mổ, tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh.
Do là chợ đầu mối tiêu thụ số lượng lợn lớn nhất miền Bắc nên công tác tiêu độc, khử trùng đang được Ban quản lí chợ thực hiện liên tục. Mọi xe cộ ra vào chợ đều được kiểm tra, phun tiêu độc nhằm tránh trường hợp nhập nhèm, đưa lợn ốm, lợn chết vào chợ buôn bán. Ông Sang cho biết, hàng tuần đều có cán bộ thú y huyện đến chợ phối hợp kiểm tra, giám sát việc buôn bán, phòng chống dịch bệnh tại chợ.
Ngoài việc thực hiện kiểm soát đầu vào, đầu ra, Ban quản lí chợ cũng thực hiện tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, giúp cho các thương lái nắm bắt tình hình dịch bệnh, nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh.
Được biết, thời điểm chăn nuôi phát triển, mỗi ngày chợ tiêu thụ khoảng trên 2.000 con lợn.
Theo Thiên Hương/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn