Giá cà phê vẫn đang trượt dốc
Giá cà phê trong nước lẹt đẹt, kim ngạch xuất khẩu giảm
Giá nông sản hôm nay 30/7, giá cà phê hôm nay không có nhiều biến động. Hầu hết khu vực Tây Nguyên xuống còn 34.300 - 35.100 đồng/kg. Riêng khu vực Kom Tum, giá cà phê chỉ giảm nhẹ 100 đồng/kg còn 35.000 đồng/kg. Giá cà phê khu vực Đắk Lắk cao nhất đạt 35.100 đồng/kg.
Giá cà phê tại khu vực TP HCM giảm 400 đồng/kg xuống 36.400 đồng/kg.
Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) ước tính Việt Nam sẽ xuất khẩu được 1,5 triệu tấn cà phê trong niên vụ 2017 – 2018, với kim ngạch đạt khoảng 3 tỷ USD. So với vụ trước, xuất khẩu cà phê tăng 0,8% về khối lượng nhưng lại giảm 10,5% về giá trị.
Kim ngạch xuất khẩu giảm chủ yếu do giá cà phê nhân đang ở mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua. Tính đến ngày 26/7, giá thu mua cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên dao động trong khoảng 34.600 – 35.500 đồng/kg, với giá giao về các kho quanh TP.HCM chỉ đạt 36.700 đồng/kg.
Về sản lượng, Vicofa ước tính Việt Nam sẽ sản xuất được 1,55 triệu tấn cà phê trong niên vụ hiện tại, tăng 100.000 tấn so với niên vụ 2016 – 2017.
Về cơ cấu sản phẩm, Vicofa cho biết xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam trong mấy năm qua đã tăng lên nhanh chóng. Trong 5 năm tới, lượng xuất khẩu cà phê đã qua chế biến dự báo sẽ tăng lên 200.000 tấn, gấp đôi mức hiện tại.
Ngoài ra, Hiệp hội ước tính lượng tiêu thụ cà phê trong nước cũng tăng lên 15%, khiến lượng cà phê nhân xuất khẩu giảm xuống còn khoảng 1 – 1,2 triệu tấn/năm.
Sản lượng cà phê Ấn Độ niên vụ 2018-19 dự báo giảm do mưa lớn bất thường trong vài tuần qua tại các khu vực sản xuất chính của Kodagu và Chikamagalur làm rụng trái và gây các dịch bệnh nấm. “Kiểu mưa này sẽ tác động lên sản xuất cà phê niên vụ tới và khó có thể ước đoán mức độ thiệt hại sản lượng vào thời điểm này”, theo Y Raghuramulu, tổng giám đốc Hội đồng Cà phê Ấn Độ cho hay.
Kodagu có lượng mưa vượt 43% từ đầu năm 2018 đến nay, so với cùng kỳ năm 2017. Hassan nhận lượng mưa tăng 78% và Chikmagalur 51%. Các báo cáo về dịch bệnh bùng phát đã được gửi đi từ các khu vực trồng cà phê lớn của Ấn Độ. Ngoài ra, các báo cáo cho hay vấn đề rụng quả cũng xảy ra phổ biến. Nhưng tác động cuối cùng sẽ chỉ được đánh giá sau khi mưa ngừng.
HT Pramod, chủ tịch Hiệp hội những người trồng cà phê Karnataka, cho hay mưa nhiều đang diễn ra trên khắp các khu vực trồng cà phê lớn của Chikmagalur, Hassan và Kodagu. Karnataka chiếm hơn 70% sản lượng cà phê của Ấn Độ. Tại Kerala, một bang sản xuất cà phê Robusta lớn khác, Hiệp hội cà phê bang Kerala ước tính thiệt hại sản lượng khoảng 8 – 10% do mưa lớn.
Sản lượng cà phê Ấn Độ chạm mức cao kỷ lục 348.000 tấn trong niên vụ 2015-16, sau đó giảm do biến động thời tiết tác động tiêu cực lên sản xuất. Niên vụ 2017-18, sản lượng cà phê Ấn Độ ước đạt 316.000 tấn, tăng 1,3% so với niên vụ trước đó.
Giá tiêu vẫn cận mốc thấp nhất 50 năm qua
Giá tiêu biến động nhẹ quanh mốc 50.000 đồng/kg
Theo ghi nhận của PV, giá tiêu hôm nay tại huyện Chư Sê (Gia Lai) hiện chỉ còn 51.000 đồng/kg - mức giá thấp nhất kể từ năm 2008 đến nay. Tại các vùng nguyên liệu khác, giá tiêu hôm nay không đổi, giao dịch từ 51.000 - 52.000 đồng/kg.
Duy chỉ có tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu hôm nay vẫn duy trì ở mức 53.000 đồng/kg.
Diện tích trồng hạt tiêu hiện tại ở Việt Nam đã vượt mục tiêu sản xuất 140.000 tấn từ 50.000ha đến năm 2020. Mỹ, Ấn Độ và Pakistan là những nước nhập khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2018. Việt Nam có kế hoạch giảm 16,7% diện tích trồng hạt tiêu để đối phó với tình trạng giá hạt tiêu thế giới liên tục giảm, theo chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu cho hay. Xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam năm 2018 dự báo đạt 215.000 tấn, tương đương năm 2017.
Theo: San Nguyễn/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn