Hội thảo thu hút đông đảo chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực nông nghiệp, tài chính, ngân hàng… các cơ quan thông tấn báo chí T.Ư và Hà Nội.
Nông nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu với quy mô lớn hơn, chất lượng và giá trị gia tăng cao hơn để hội nhập kinh tế quốc tế. Điều đó đặt ra yêu cầu về ứng dụng công nghệ cao, nhằm nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của người tiêu dùng, đặc biệt đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu.
Để phát huy được hiệu quả tối đa ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, Việt Nam cần phải lựa chọn những giải pháp chính sách và lộ trình cụ thể.
Thực tiễn sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua đã xuất hiện một số mô hình sản xuất theo hướng quy mô lớn, tăng cường tính liên kết và ứng dụng công nghệ cao tại một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Lâm Đồng, Hậu Giang, Thái Nguyên... và bước đầu đã được thực tế kiểm nghiệm có hiệu quả. Hầu hết các mô hình này đều có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và người nông dân.
Xuất phát từ thực tế và những yêu cầu đang đặt ra trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, Hội thảo sẽ tập trung thảo luận, đưa ra các nhận định, đánh giá và kiến nghị, giải pháp về các vấn đề như mô hình sản xuất hàng hóa lớn, năng suất cao; mô hình liên kết sản xuất với tiêu dùng, nuôi trồng với chế biến, xúc tiến thương mại quốc tế...; ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp và các chính sách tín dụng hỗ trợ; kinh nghiệm hiệu quả vốn vay cho khu vực nông nghiệp nông thôn; mở rộng các điều kiện cho vay nông nghiệp...
Trên cơ sở đó, đưa ra những đóng góp thiết thực cho việc hoạch định chính sách phù hợp, giúp nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và hiệu quả, đặc biệt là những chính sách về tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp các bộ, ngành tích cực triển khai.
Thanh Trà
Nguồn: nhandan.com.vn