Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã xác định: “Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu”.
Định hướng đó là một chủ trương đúng đắn vì sản xuất nông nghiệp vẫn sẽ giữ vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế, phát triển NNCNC gắn với sản xuất hàng hóa lớn được xem là động lực quan trọng để phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững.
Đã có những mô hình thành công
Lâm Đồng là địa phương đi đầu cả nước về phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao với trên 43.000 ha sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chiếm 16,4% diện tích đất canh tác, trong đó rau gần 11.900ha, hoa trên 2.400ha, cà phê trên 11.300ha, chè gần 2.500ha, cây đặc sản trên 300ha.
Theo Vụ Khoa học công nghệ (Bộ NN và PTNT), nông nghiệp công nghệ cao là “nền nông nghiệp được ứng dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ” |
Những công nghệ tiên tiến nhất đã được ứng dụng vào những loại nông sản có ưu thế như rau, hoa, cà phê, chè, bò sữa... Nhiều sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu và xuất khẩu sang Nhật Bản, Singapore, Mỹ, Bỉ, Australia, EU,… như rau Đà Lạt, hoa Đà Lạt, trà B’Lao, cà phê Di Linh, cà phê Arabica,…
Tỷ trọng giá trị sản xuất NNCNC của tỉnh đạt 30% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Năng suất, giá trị sản phẩm cây trồng, vật nuôi khi áp dụng công nghệ cao tăng từ 25-30%. Đặc biệt tỷ trọng nông sản xuất khẩu đã chiếm đến 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Tại Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), thành phố hoa của miền Tây Nam bộ, người dân cũng đã áp dụng NNCNC phát triển trên 470 ha hoa, cây cảnh, mang lại hiệu quả cao, trong đó nhiều hộ đã đạt trên dưới 1 tỷ đồng/ha. Tây Ninh cũng đã quy hoạch hơn 2.000ha để phát triển chuỗi giá trị nông sản. Thành phố Hồ Chí Minh có khu Nông nghiệp công nghệ cao, lập Ban quản lý NNCNC để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư.
Đầu năm 2017, Thủ tướng đã đưa ra thông điệp: Bất kỳ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nào đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC đều được ủng hộ, tạo điều kiện. Sau phát động của Thủ tướng, nhiều tỉnh, thành phố hưởng ứng chủ trương và có quyết tâm chính trị cao đối với phát triển NNCNC.
Một số giải pháp
Thứ nhất, các cấp ủy Đảng tăng cường lãnh đạo các ngành chức năng như tuyên giáo, các cơ quan truyền thông tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ về phát triển NNCNC đến các tầng lớp nhân dân, nhất là nông dân, doanh nhân...
Trong điều kiện của nông nghiệp nước ta hiện nay, công nghệ cao cần hội tụ đủ một số mặt như: phải có hàm lượng chất xám cao hơn so với mặt bằng sản xuất hiện tại; phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội và trình độ của địa phương nơi áp dụng; sản phẩm phải có chất lượng tốt, an toàn, có thị trường và hiệu quả kinh tế.
Vì vậy, tùy theo đối tượng sản xuất mà lựa chọn công nghệ và không nhất thiết phải trồng cây trong nhà kính, nhà lưới đắt tiền thì mới xem là công nghệ cao. Theo kinh nghiệm của một số đơn vị sản xuất, phải nghiên cứu trước thị trường, đối tượng, nhu cầu của từng sản phẩm để quyết định phương án đầu tư.
Công nghệ được lựa chọn chủ yếu là tiến bộ về giống, công nghệ canh tác, chăn nuôi tiên tiến, công nghệ tưới, công nghệ sau thu hoạch - bảo quản - chế biến. Từng bước ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thị trường.
Công tác tuyên truyền phải đa dạng, không một chiều, chỉ rõ mặt thuận lợi nhưng đồng thời cũng lưu ý mặt khó khăn để người nông dân, doanh nhân có nhận thức đúng...Nhận thức về phát triển NNCNC sẽ có chuyển biến tốt nếu các cấp ủy Đảng tăng cường lãnh đạo các ngành chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức đến với người dân, nhất là với nông dân và doanh nhân.
|
Hệ thống trang trại được xây dựng khép kín tự động hóa giống bò được tuyển chọn kỹ lưỡng giúp năng suất đạt mức cao nhất . |
Thứ hai, chính quyền các cấp cần quyết liệt trong việc tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, doanh nhân liên kết chặt chẽ với nông dân trong phát triển NNCNC.
Đời sống nông dân chỉ có thể được nâng cao và ổn định khi liên kết gắn bó với các doanh nghiệp, các hợp tác xã sản xuất kinh doanh có hiệu quả, gắn sản xuất với chế biến sâu và tổ chức thị trường tốt. Ở nước ta, nhiều doanh nghiệp đã có những đóng góp rất tích cực vào nông nghiệp như tạo thêm nhiều việc làm, giúp người nông dân cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống.
Điển hình như Tập đoàn TH phát triển mạnh chăn nuôi bò sữa, đầu tư chế biến đường, chế biến gỗ, sản xuất rau sạch…đã hình thành vùng nguyên liệu trồng cỏ, trồng mía, trồng rừng với diện tích rất lớn. Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) đã liên kết với hàng ngàn hộ nông dân để sản xuất gạo xuất khẩu có hiệu quả.
Các tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup, Dabaco, các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp Bình Dương, Bắc Ninh,…đã mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp và định hướng gắn kết lâu dài với nông dân. Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung các cơ chế, chính sách về đất đai, về tín dụng… tạo sự gắn kết giữa nhà đầu tư, nhà chế biến, nhà tiêu thụ với người sản xuất nguyên liệu.
Thực hiện tốt cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Mối liên kết này chỉ bền vững khi giải quyết hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia và Nhà nước phải thực hiện được chức năng trung tâm gắn kết giữa nhà nông với nhà doanh nghiệp, nhà khoa học. Sự liên kết đó thông qua các cơ chế, chính sách phù hợp được nhà nước ban hành và giám sát việc thực hiện.
Thứ ba, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt nhiệm vụ vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên và giám sát có hiệu quả việc thực hiện chủ trương phát triển NNCNC.
Hiện nay, ở nước ta có khoảng 12 triệu hộ nông dân, dân số nông thôn chiếm 67% dân số cả nước. Lao động nông nghiệp chiếm 44,3% nhưng chỉ đóng góp 17%GDP (năm 2015). Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiện chưa đến 1% trong tổng số doanh nghiệp cả nước.
Trong số đó, 90% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 3,7% và doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 1,32%.
Để vận động, tập hợp được nông dân, doanh nhân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần sâu sát, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời, đồng thời phải thường xuyên kiểm tra quá trình thực hiện để các doanh nhân, hộ nông dân yên tâm đầu tư, khắc phục tình trạng nói không làm hoặc giải quyết nửa vời…
Tùy theo điều kiện cụ thể mà hàng năm hoặc 2-3 năm 1 lần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền sơ kết, đánh giá kết quả, biểu dương khen thưởng những doanh nhân, nông dân đầu tư phát triển NNCNC có kết quả tốt. Đồng thời, đề xuất với chính quyền làm tốt công tác xúc tiến đầu tư gắn với quảng bá thương hiệu sản phẩm hoặc giới thiệu các mô hình, điển hình phát triển NNCNC có hiệu quả để doanh nhân, nông dân học tập, rút kinh nghiệm.
Nói chung, cần vận động, khuyến khích những đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội là những doanh nhân, nhà đầu tư vào lĩnh vực NNCNC để họ có thêm sức mạnh sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Vận động, tập hợp được nhiều đoàn viên, hội viên là doanh nhân tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp là góp phần gắn kết tốt giữa giai cấp nông dân với đội ngũ doanh nhân và các nhà khoa học, kỹ thuật. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phải thường xuyên làm tốt nhiệm vụ giám sát chính quyền, giám sát doanh nghiệp trong tổ chức thực hiện chủ trương phát triển NNCNC.
Nếu phát hiện doanh nghiệp nào lợi dụng chủ trương để lập dự án, chủ yếu thuê nhiều diện tích đất đai và vay vốn ưu đãi sau đó xin chuyển đổi mục đích sử dụng, biến đất nông nghiệp thành đất thương mại nhằm thu lợi bất chính thì phản ánh cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo thu hồi dự án theo pháp luật.
Trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, nông nghiệp Việt Nam chỉ có thể phát triển nhanh, bền vững khi có được các chính sách thiết thực, hiệu quả đẩy nhanh quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất và khuyến khích được nhiều doanh nghiệp mạnh trong và ngoài nước đầu tư phát triển NNCNC thành công
Nguyễn Thế Trung
Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương
Nguồn: nongthonviet.com