Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu kết luận Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo Phó Thủ tướng, Luật Quy hoạch là công cụ pháp lý rất quan trọng để các cấp, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện và thống nhất quản lý. Lần đầu tiên có một luật quy hoạch chung, trước đây nội dung này được thể hiện trong nhiều luật chuyên ngành.
Bên cạnh đó, Luật Quy hoạch còn là công cụ rất quan trọng giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đề ra định hướng, mục tiêu chiến lược, xác định các động lực, không gian phát triển của mỗi ngành, địa phương, của cả quốc gia để bảo đảm cho sự phát triển đồng bộ, thống nhất, khai thác nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm cho phát triển bền vững.
Theo quy định của Luật, Chính phủ phải xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia trình Quốc hội phê duyệt; các bộ, ngành xây dựng quy hoạch ngành quốc gia, các địa phương xây dựng quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong hơn một năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện Luật, bước đầu đạt được một số kết quả tích cực.
Trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn triển khai thực hiện Luật; rà soát các quy hoạch sẵn có, tập trung xây dựng quy hoạch mới.
“Tôi đánh giá rất cao lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực, trách nhiệm trong triển khai thực hiện Luật Quy hoạch thời gian qua”, Phó Thủ tướng nhận xét.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đồng tình với ý kiến của các bộ, ngành, địa phương cho rằng đây là những quy hoạch mới, lần đầu tiên xây dựng, đồng thời yêu cầu tích hợp rất cao (bỏ các quy hoạch sản phẩm cụ thể), do đó rất khó triển khai.
“Đây là việc rất khó, nhưng chúng ta phải làm. Khối lượng các quy hoạch phải lập là rất lớn. Cùng lúc 63 tỉnh, thành phố đều phải lập quy hoạch tỉnh, thành phố. Các ngành đều phải lập quy hoạch phát triển ngành. Chính phủ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia. Do đó, cần nguồn lực rất lớn, đặc biệt là nguồn lực về con người”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn cho rằng, thời gian qua, việc tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch còn nhiều lúng túng, ngay cả ở Trung ương, dẫn đến chậm, ảnh hưởng đến việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cho giai đoạn tiếp theo.
“Không có quy hoạch thì không thu hút được nguồn lực, không tạo được môi trường thuận lợi cho đầu tư phát triển”, Phó Thủ tướng nói.
Thời điểm tập trung lập quy hoạch cũng rơi vào những năm cuối của việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và các kế hoạch phát triển 5 năm giai đoạn 2016-2020, chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Do đó, việc hoàn thiện các quy hoạch có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển trong thời gian tới của các địa phương và cả nước.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Không để vướng mắc làm cản trở quá trình phát triển
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chia sẻ những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chuyển tiếp Luật Quy hoạch mà các bộ, ngành, địa phương đã nêu tại Hội nghị.
Trước hết là vướng mắc về việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch. Các quy hoạch hiện hành được lập theo các luật chuyên ngành. Trong khi đó, các quy định về quy hoạch của các luật chuyên ngành đều đã hết hiệu lực. Vấn đề đặt ra là làm sao để điều chỉnh cục bộ các quy hoạch này khi các luật chuyên ngành đã hết hiệu lực, trong khi Luật Quy hoạch mới yêu cầu phải thực hiện theo đúng trình tự, 5 năm mới được điều chỉnh một lần.
“Luật chưa bao quát hết các trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Trong thực tế, điều chỉnh quy hoạch là nhiệm vụ trong hoạt động quy hoạch, đồng thời cũng là nhiệm vụ trong quá trình thưc hiện quy hoạch”, Phó Thủ tướng nói và cho rằng, nếu điều chỉnh quy hoạch cho tốt hơn cần được khuyến khích, khác với việc điều chỉnh quy hoạch để mang lại lợi ích cá nhân, làm phương hại lợi ích quốc gia, lợi ích của cộng đồng.
Thực tế hiện nay, việc điều chỉnh quy hoạch để bổ sung 369 dự án ngành điện, một số khu công nghiệp, khu kinh tế ở các địa phương; quy hoạch giao thông, năng lượng… đều đang rất vướng mắc, không thể triển khai được.
Vướng mắc lớn thứ hai là trình tự lập quy hoạch. Theo điều 6 Luật Quy hoạch, quy hoạch cấp trên là cơ sở cho quy hoạch cấp dưới. Tức phải có Quy hoạch tổng thể quốc gia mới lập các quy hoạch cấp dưới, như vậy có thể phải mất hàng chục năm mới xong các quy hoạch ngành, vùng, tỉnh. Đây là yêu cầu rất đúng của Luật để bảo đảm tính đồng bộ của quy hoạch nhưng rất khó triển khai.
Vướng mắc thứ ba của các địa phương là việc phê duyệt các quy hoạch tỉnh đã được triển khai lập theo quy định cũ, cơ bản đáp ứng các yêu cầu nhưng chưa được thẩm định. Theo quy định của Luật Quy hoạch, muốn phê duyệt được thì các quy hoạch này phải thực hiện lại từ đầu.
Một khó khăn nữa của các địa phương là việc tích hợp nội dung gì vào quy hoạch. Đây là nội dung vướng cả ở Trung ương và các địa phương. Chẳng hạn như lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, nội dung nào được đưa vào, nội dung nào không. Rõ ràng không thể tích hợp mọi quy hoạch.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, quy hoạch phải không cứng nhắc, thay vào đó phải mở ra không gian sáng tạo cho các bộ, ngành, địa phương. Đối với quy hoạch các tỉnh cũng vậy, nếu đưa thiếu hay quá chi tiết sẽ rất khó điều chỉnh, bổ sung. Do đó, yêu cầu đặt ra với quy hoạch tích hợp là vừa phải cập nhật đủ, vừa phải có một không gian thông thoáng cho sự sáng tạo, đáp ứng các yêu cầu phát triển trong tương lai.
“Quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế-xã hội là một dòng chảy liên tục, không thể ngắt quãng. Do đó, không để do quy hoạch mà ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Thực hiện nghiêm Luật Quy hoạch, nhưng phải làm sao để bảo đảm dòng chảy liên tục của quá trình phát triển, không để vướng mắc như vừa qua. Đây là quan điểm chỉ đạo thống nhất của Quốc hội, Chính phủ”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cần sớm được giải thích, tháo gỡ
Để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành sớm trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn một số điều liên quan đến Luật Quy hoạch.
Về trình tự lập quy hoạch, kiến nghị theo hướng phải thực hiện đồng bộ, đồng thời, song song, để có thể đáp ứng yêu cầu cho đầu tư phát triển nhưng vẫn bảo đảm đồng bộ giữa các quy hoạch. Trong năm 2020, phải cơ bản xong để phê duyệt.
Về điều chỉnh cục bộ quy hoạch trong thời kỳ từ nay đến 2020, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng cho phép cơ quan có thẩm quyền quyết định thực hiện các dự án đầu tư cấp thiết cho phát triển kinh tế-xã hội, sau đó cập nhật vào Quy hoạch mới.
Với các quy hoạch đã lập, đã tổ chức thẩm định nhưng chưa phê duyệt như kiến nghị của một số địa phương, sẽ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép phê duyệt theo luật quy hoạch mới, nhưng không hồi tố các thủ tục trước đây.
Bộ KH&ĐT cũng được giao chủ trì thành lập các tổ chức công tác liên ngành để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương; phối hợp với Bộ Tài chính sớm hướng dẫn phân bổ vốn cho công tác lập quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng quốc gia; sớm thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh.
Bộ TN&MT đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Đây là những quy hoạch rất quan trọng, làm cơ sở để xây dựng các quy hoạch khác.
Các bộ, ngành Trung ương khẩn trương soạn thảo, trình Chính phủ dự thảo các Nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Quy hoạch. Đồng thời, tiến hành lập các quy hoạch ngành quốc gia. Chẳng hạn như Bộ Công Thương phải nhanh chóng lập Quy hoạch điện 8 nhưng với một tư duy mới, một cách làm mới so với trước đây.
Đồng thời, các bộ, ngành sớm rà soát, ban hành Danh mục các quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của các bộ trong tháng 7/2019; nghiên cứu, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành để thay thế việc quản lý nhà nước khi các quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, hoàn thành trong quý 3/2019; hướng dẫn các địa phương lập quy hoạch tỉnh trong phạm vi của ngành mình; cung cấp các dữ liệu, hồ sơ quy hoạch liên quan và phối hợp với Bộ KH&ĐT trong việc nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong vận hành, khai thác và sử dụng chung, trước mắt để đáp ứng cho nhiệm vụ triển khai lập các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch; ưu tiên cân đối và bố trí vốn trong năm 2019 và triển khai các thủ tục cần thiết cho nhiệm vụ lập quy hoạch ngành quốc gia cho thời kỳ 2021-2030 đã được bố trí từ 10% vốn dự phòng tại các bộ trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Đối với các địa phương, yêu cầu phải khẩn trương rà soát, ban hành Danh mục các quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của các địa phương trong tháng 7/2019; cung cấp các dữ liệu, hồ sơ quy hoạch liên quan và phối hợp với Bộ KH&ĐT trong việc nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch; triển khai xây dựng quy hoạch tỉnh, trong đó phát huy kinh nghiệm của Quảng Ninh và một số địa phương để thành lập Ban Chỉ đạo lập Quy hoạch tỉnh, xác định các nội dung sẽ được tích hợp vào quy hoạch; ưu tiên cân đối và bố trí vốn trong năm 2019 và triển khai các thủ tục cần thiết cho nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh cho thời kỳ 2021-2030.
Theo Xuân Tuyến/Chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn