Trong quá trình xây dựng NTM, văn hóa giữ vai trò quan trọng, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nét làng mai một
Từ bao đời, cây đa, giếng nước, sân đình là nét đặc trưng của mỗi làng quê. Nay, trong quá trình phát triển, những hình ảnh đặc trưng, quen thuộc của làng quê ở nhiều nơi đang dần mai một.
Ông Đào Văn Năm, nay ngoài 60 tuổi, người dân xã Đại Hưng (Khoái Châu) vào thành phố Hồ Chí Minh sống và làm việc nhiều năm, phải khi gia đình có việc hệ trọng ông mới về quê. Ông bộc bạch: “Từng nếp nhà, từng cái ao, rặng tre dọc ngõ Chùa nơi tôi ở đã khắc sâu trong tâm trí gần 20 năm đầu đời gắn bó ở quê. Dù xa quê nhưng trong tâm trí tôi lúc nào cũng lưu giữ hình ảnh ấy. Vừa rồi, sau hơn 10 năm mới về quê, ngõ xóm mình đổi thay đến mức tôi ngờ ngợ như tìm nhầm lối về, cả làng tôi như đang dần hóa phố”.
Chẳng riêng ông Năm khó khăn khi tìm lại nét xưa của nơi chôn rau cắt rốn. Trong quá trình phát triển, cơ sở hạ tầng của nhân dân và của Nhà nước được đầu tư theo hướng hiện đại hơn là điều mong muốn không của riêng ai. Song hiện nay, trong quá trình xây dựng NTM, không ít nơi còn nặng về nội dung xây dựng cơ sở hạ tầng, nhẹ về nội dung văn hóa, xã hội… dẫn đến một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa hiểu đúng, coi xây dựng NTM chỉ là đầu tư xây dựng các công trình, dự án đầu tư. Kết quả là những cái ao, những hàng cây xanh mát, bờ rào… được thay thế bằng những khối bê tông bao kín làng. Trong từng gia đình, nếp nhà truyền thống, nhà cổ… ngày càng vắng bóng.
Chúng tôi nhớ trong mấy lần đi công tác cùng ông Doãn Thế Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên khi ông đến thăm cơ sở hay phát biểu trong hội nghị, ông luôn đau đáu về vấn đề NTM. Ông nói: Không phải bây giờ có Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM thì nông dân mới làm mà chúng ta đã làm từ lâu rồi, nay phấn đấu thực hiện cho đạt các tiêu chí để đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Giọng của ông chùng xuống mỗi khi nói đến công tác quy hoạch, nói đến cảnh quan, kiến trúc đậm nét làng quê đang có chiều hướng mai một. Ông bảo: Các cụ ta đã dạy, nhà ở phải có vườn sau, ao trước, vừa thoáng mát, vừa phong thủy. Vậy mà không ít gia đình đã thay vào đó là những khối nhà hộp chật chội như ở phố.
Không gian xanh dần nhường chỗ cho những khối tê tông, gạch đá trong làng đã đành, nhưng ở ngoài cánh đồng, nhiều địa phương cũng chưa thực sự quan tâm đến việc trồng cây lấy bóng mát. Cả cánh đồng rộng hàng chục héc-ta, cả tuyến đường trục chính ra đồng dài vài kilômet nhưng không có một bóng mát cho nông dân ngồi nghỉ giải lao.
|
Trong quá trình xây dựng NTM, nhiều con đường giao thông nông thôn được bê tông hóa rộng rãi, sạch sẽ nhưng không còn bóng cây xanh mát |
Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, internet, mạng di động, các dịch vụ vui chơi, giải trí hiện đại… phát triển ồ ạt kéo theo lối sống thực dụng, ích kỷ, văn hóa “lai căng” tác động xấu đến một bộ phận người dân nông thôn… dễ nảy sinh tệ nạn xã hội, tác động đến sự xuống cấp của đạo đức lối sống, mâu thuẫn giữa các gia đình, mâu thuẫn trong nội bộ gia đình, diễn biến phức tạp hơn… Trong khi đó, những trò chơi dân gian, lễ hội đặc trưng của làng quê đứng trước nguy cơ khó bảo tồn. Ông Đào Thanh Tân, thôn Nội Lăng, xã Thủ Sỹ (Tiên Lữ) bộc bạch: “Chúng tôi cũng đang rất lo lắng về việc truyền thụ lại những tinh hoa võ vật của làng cho thế hệ sau. Bởi hiện nay, tâm huyết của thanh niên, trai tráng trong làng đang dành nhiều hơn cho mục tiêu phát triển kinh tế gia đình”.
Xây dựng NTM chứ không phải xây dựng đô thị mới, không để khi hoàn thành xây dựng NTM thì cảnh quan, văn hóa làng quê không ra nông thôn cũng chẳng ra thành thị... Xây dựng NTM được tiến hành trên cơ sở đã có truyền thống văn hóa, bản sắc văn hóa làng.
Giữ gìn nét đẹp văn hóa làng quê
Một ngày cuối thu, về xã Đại Đồng (Văn Lâm), chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay nhanh chóng ở miền quê này. Điều đặc biệt là tồn tại song song với vẻ bề ngoài đầy dáng dấp đô thị, ở nơi đây vẫn thấp thoáng một làng quê cổ kính với cây đa, giếng nước, sân đình. Những ngôi nhà cổ có tuổi thọ hàng trăm năm vẫn được người dân gìn giữ như tài sản vô giá của cả cộng đồng. Tâm điểm của không gian ấy chính là làng Nôm. Chỉ vừa bước qua cổng làng, hàng loạt cảnh quan cổ xưa hiện ra trước mắt: Cây đa trước sân đình nghiêng nghiêng soi bóng giếng nước đầu làng, một di chỉ của làng đang được phục dựng lại. Phía trước đình làng là một hồ nước rộng, xung quanh hồ có tám nhà thờ họ được xây dựng theo kiến trúc cổ có tuổi thọ đều hơn 100 năm xen lẫn những nếp nhà truyền thống, những hàng rào xanh mát được người dân tỉ mỉ tỉa cắt… Cuối làng, cổng Cầu - cổng thứ hai của làng giúp người dân thuận lợi khi ra – vào làng, được xây dựng từ khi hình thành làng Nôm. Cùng với thời gian, người dân trong làng vẫn bảo vệ cổng còn nguyên hoa văn, hình dáng ban đầu, thấm đẫm sự uy nghiêm, cổ kính. Trong làng còn có chùa Nôm với trên 100 pho tượng bằng đất cổ; chợ Nôm được xây dựng vào thời Lê; cầu Nôm là một trong những cây cầu đá cổ nhất vùng châu thổ sông Hồng gồm có 9 nhịp, rộng gần 3m được lát trên đó 36 phiến đá; đình Tam Giang kiến trúc bằng đá thời Hậu Lê… Hiện nay, làng Nôm còn giữ được những con đường lát gạch cổ với những hàng rào xanh mướt được cắt tỉa gọn gàng, chân hàng rào được cài lưới sắt vừa ngăn không cho vật nuôi của các gia đình chạy ra đường, sang nhà khác, vừa giữ gìn không gian xanh cho làng quê.
|
Con đường gạch cổ cùng với hàng rào cây xanh mướt ở làng Nôm, xã Đại Đồng (Văn Lâm) |
Để bảo vệ cảnh quan, không gian cổ, cộng đồng dân cư trong làng thực hiện nghiêm quy ước rằng những gia đình ở ngoài mặt hồ, mặt đường không xây dựng nhà cao tầng, chỉ xây dựng nhà cấp 4 với kiểu dáng truyền thống; đường làng, ngõ xóm hỏng đâu, sửa đấy, không phá dỡ toàn bộ để bê tông hóa… Nhất là những ngôi nhà gỗ cổ, cửa bức bàn tuy chỉ còn đếm trên đầu ngón tay nhưng được người dân ở đây hết sức bảo vệ, gìn giữ, tiêu biểu như các ngôi nhà gần 200 năm tuổi của gia đình cụ Tạ Thị Nhật, ông Đỗ Văn Đích… Điều đáng nói nữa là, để không kìm hãm sự phát triển, không kìm hãm tiến trình đô thị hóa, làng Nôm còn có khu mở rộng ở phía ngoài địa hạt làng cổ để đáp ứng nhu cầu xây dựng mở rộng nhà ở, phát triển kinh tế… của một bộ phận nhân dân.
Nét đẹp truyền thống của dân tộc ta “Tối lửa, tắt đèn có nhau” đã và đang tiếp tục được nhân lên trong các xóm của thôn Phượng Tường, xã Nhật Tân (Tiên Lữ). Nếu như trước đây, khi một hộ gia đình trong ngõ có đám hiếu, đám hỷ, gia đình đó cùng với họ hàng chạy đôn chạy đáo lo việc thì nay cả xóm cùng chung tay giúp sức, cả về vật chất và tinh thần, giảm chi phí thuê mướn bên ngoài; mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình, giữa gia đình này với gia đình khác đều có sự vào cuộc của xóm để ngăn chặn ngay từ đầu… Đó là kết quả của việc thôn Phượng Tường tổ chức thành công và đưa Tổ liên gia tự quản vào hoạt động hiệu quả từ giữa năm 2011.
|
Cây cầu đá xanh cổ nhất vùng đồng bằng sông Hồng hiện còn được lưu giữ ở làng Nôm, xã Đại Đồng (Văn Lâm) |
Bà Nguyễn Thị Lịch, thành viên Tổ liên gia tự quản số 4 phấn khởi: “Tuy ở nông thôn nhưng trước đây việc nhà ai nấy lo, hàng xóm không ai dám động vào, có trường hợp chồng đánh vợ cũng chẳng mấy ai dám ngăn. Kể từ khi thành lập Tổ liên gia tự quản, những “rào cản” ấy được gỡ bỏ, người trong xóm sống, cư xử, lo lắng công việc lẫn nhau như người thân trong nhà. Theo người dân trong thôn, khi đã gắn kết được tình cảm của các hộ trong Tổ liên gia tự quản như một đại gia đình, thống nhất thực hiện theo quy chế chung giúp cho khi triển khai các công việc dễ thành công. Đặc biệt là Tổ này còn hỗ trợ cấp ủy, chính quyền thôn triển khai thực hiện nhiều việc rất hiệu quả, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương.
Từ hiệu quả và thành công bước đầu trong hoạt động của Tổ liên gia tự quản tại thôn Phượng Tường, không chỉ xã Nhật Tân nhân rộng mô hình này mà hiện nay ở nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã và đang rút kinh nghiệm để đưa mô hình này vào thực hiện, góp phần xây dựng NTM đạt kết quả tốt hơn.
Ông Vũ Hoàng Nam, Trưởng Phòng Văn hóa- Thể thao- Du lịch huyện Văn Lâm cho rằng: “Văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu cho sự phát triển. Nếu chúng ta chỉ chú ý xây dựng bộ mặt nông thôn như đường sá, nhà cửa, cơ sở vật chất… ngày càng khang trang hơn mà không coi trọng việc xây dựng con người, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân thì khó có một NTM theo đúng nghĩa. NTM có hiện đại đến đâu vẫn cần giữ được cái hồn và cốt cách của nông thôn Việt Nam, giữ gìn bản sắc văn hóa và nét đặc thù của từng vùng, miền”.
Xây dựng NTM chứ không phải xây dựng đô thị mới, không để khi hoàn thành xây dựng NTM thì cảnh quan, văn hóa làng quê không ra nông thôn cũng chẳng ra thành thị… Xây dựng NTM được tiến hành trên cơ sở đã có truyền thống văn hóa, bản sắc văn hóa làng. Gìn giữ nét đẹp văn hóa làng không chỉ giữ lại những gì mà ông, cha ta đã dày công vun đắp, mà qua đó giáo dục cho thế hệ trẻ những nét văn hóa truyền thống của quê hương cũng như giữ lại “linh hồn” cho làng quê Việt. Để “hồn quê” không mất đi trong xây dựng NTM, công tác tuyên truyền cần được tăng cường hơn nữa để từ mỗi gia đình chú trọng trước hết vào hoạt động tăng thu nhập và tạo dựng cảnh quan đẹp từ khuôn viên của gia đình mình, xóm mình mang đậm đặc trưng nông thôn Việt; để mỗi người dân thấy rõ trách nhiệm của bản thân, khẳng định mình là chủ thể trong quá trình tham gia xây dựng NTM; cán bộ cơ sở cần có những cách làm linh hoạt sao cho phù hợp với thôn, xóm mình, và có những đề xuất kịp thời đối với cấp trên khi thấy nội dung ban hành chưa phù hợp, làm mất bản sắc đặc trưng của địa phương mình...
Theo baohungyen.vn