Đồng bào dân tộc Dao ở thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa (Lào Cai) ứng dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Chăm sóc cà chua trong nhà kính. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Ưu tiên các nguồn lực
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thời gian qua, 12 tỉnh vùng Tây Bắc, nhất là các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, ngoài việc được hưởng hầu hết các chính sách hỗ trợ giảm nghèo áp dụng cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo cả nước, còn được hưởng các chính sách đặc thù hỗ trợ cho các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn và các đối tượng hộ nghèo, người nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ riêng giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn lực bố trí cho thực hiện chương trình giảm nghèo trên địa bàn sáu tỉnh là gần 40 nghìn tỷ đồng, trong đó, Ngân sách Trung ương hơn 22 nghìn tỷ đồng; địa phương 1.235 tỷ đồng; còn lại là vốn vay tín dụng ưu đãi, vốn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể, cộng đồng và vốn từ các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo khác, như vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn phi chính phủ NGO...
Thông qua cơ chế, chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là sự nỗ lực của người dân, đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo nói chung và hộ dân tộc thiểu số nói riêng được cải thiện rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng đã giảm bình quân khoảng 3,91%/năm. Đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ đã giảm bình quân hơn 6%/năm, đạt mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra và vượt mức giảm bình quân 4%/năm theo mục tiêu của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ. Tỷ lệ hộ nghèo của các xã được hỗ trợ đầu tư theo Chương trình 135 cũng đã giảm từ 3 đến 5%/năm, trong đó có 21 xã đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu theo Chương trình 135.
Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội khó khăn và số đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung cao nhất vùng cho nên một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao xấp xỉ 50% như: huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, thuộc tỉnh Yên Bái; huyện Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ, thuộc tỉnh Điện Biên...
Thay đổi cách tiếp cận
Để giúp các huyện nghèo giảm nghèo, từng bước thoát nghèo, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo theo hướng bền vững, tăng cường khả năng tiếp cận của đối tượng thụ hưởng và sự tham gia của người nghèo theo tinh thần của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần rà soát, điều chỉnh các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án lớn trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và mục tiêu giảm nghèo nói riêng; điều chỉnh thống nhất đầu mối cơ chế chỉ đạo điều hành từ T.Ư đến cơ sở, đối tượng, mức đầu tư, chế độ, thủ tục. T.Ư ban hành chính sách khung và giao ngân sách tổng thể trung hạn; cấp tỉnh quyết định các chính sách cụ thể, phương thức thực hiện và phân khai ngân sách cho cấp huyện; cấp huyện quyết định các hoạt động hỗ trợ hoặc công trình được đầu tư trên cơ sở đề nghị của cấp xã, cộng đồng dân cư (theo hướng cơ chế hỗ trợ trọn gói về tài chính cho cấp xã, đơn giản hóa và hợp nhất các thủ tục đầu tư rút gọn đối với công trình nhỏ và đơn giản sẽ giúp nhân rộng các sáng kiến tại địa phương). Mở rộng và tạo điều kiện để tăng cường sự tham gia của người dân về các hoạt động giảm nghèo từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch, triển khai thực hiện, giám sát và đánh giá kết quả.
Trong các nguồn vốn hỗ trợ, nguồn lực Nhà nước giữ vai trò quyết định, do đó cần được ưu tiên và bố trí kịp thời nguồn vốn để thực hiện chương trình giảm nghèo, trong đó ưu tiên cho các địa bàn nghèo (huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn). Có cơ chế để huy động nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và chính bản thân hộ nghèo trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
Các chính sách và nguồn lực phải được công khai, minh bạch, hỗ trợ đúng đối tượng và hiệu quả; chuyển dần từ hình thức hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, hoặc có thu hồi, để người dân có ý thức bảo toàn vốn, tránh tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời tăng cường giám sát, quản lý sử dụng nguồn lực, bảo đảm tính dân chủ, công khai, thực hiện nguyên tắc “Dân cần, dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ” trong quản lý và sử dụng nguồn lực. Xây dựng quy trình giám sát và hệ thống chỉ tiêu theo dõi chi tiêu chặt chẽ, bảo đảm vốn được sử dụng “đúng mục tiêu, đúng đối tượng, có hiệu quả, không thất thoát”. Trong xây dựng cơ sở hạ tầng phải thực hiện nguyên tắc “xã có công trình, dân có việc làm và thu nhập”.
Trên cơ sở tiềm năng của mỗi địa phương, cần nghiên cứu ban hành chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông, lâm nghiệp, du lịch, dịch vụ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn các huyện nghèo. Khuyến khích hộ nghèo, xã nghèo, vươn lên thoát nghèo, thông qua hình thức tăng thêm nguồn lực đối với những địa bàn thực hiện tốt; cắt giảm các huyện, xã thực hiện kém hiệu quả, thất thoát lãng phí nguồn vốn đầu tư. Áp dụng cơ chế quản lý bảo toàn nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện các mô hình giảm nghèo ở các địa phương để có điều kiện nhân rộng mô hình và tăng trách nhiệm sử dụng vốn.
Theo Linh Diệu/Nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn