Sở dĩ Nhà máy tinh bột sắn Thanh Chương (Cty Intimex Nghệ An) có được kết quả nói trên công đầu chính là sự vào cuộc một cách quyết liệt của cấp ủy và chính quyền huyện Thanh Chương. Từ khi du nhập vào huyện Thanh Chương năm 2003, đến nay giống sắn cao sản đã trở thành một loại cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế tại địa phương là nhờ cơ chế, chính sách đầu tư hợp lý để phát triển vùng nguyên liệu của nhà máy. Điều đáng mừng là chỉ sau 3 năm (2004-2006), từ chỗ đầu tư cho không giống và phân bón làm các mô hình khảo nghiệm, hội thảo đầu bờ chứng minh những đặc tính ưu việt của giống sắn cao sản KM94, đến nay hàng năm nhà máy chỉ cần thông qua chính quyền địa phương ký cam kết đảm bảo thu mua 100% sản phẩm cho bà con, áp dụng giá thu mua linh hoạt theo thị trường, thanh toán nhanh gọn bằng tiền mặt, không dây dưa nợ là bà con hoàn toàn có thể yên tâm mở rộng diện tích.
Đưa chúng tôi đi thăm vùng nguyên liệu sắn của nhà máy, anh Dương Đình Hùng, phụ trách phòng nông vụ Nhà máy tinh bột sắn Thanh Chương nói: Phòng nông vụ hiện có 13 biên chế đều có trình độ kỹ sư nông nghiệp và khá thạo việc. Anh em chúng tôi luôn suốt ngày bám cơ sở giống như những cán bộ khuyến nông thật sự ở cấp huyện để lo tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao các tiến bộ KHKT cho bà con. Vào dịp thu hoạch thì lo điều chỉnh kế hoạch thu hoạch sắn cho từng địa phương để lượng sắn nguyên liệu đưa về nhà máy không bị quá tải, đồng thời phải cung ứng đủ lượng phân bón, giống để các địa phương đã thu hoạch xong triển khai trồng vụ mới...
Cho đến nay, Nhà máy tinh bột sắn Thanh Chương đã có vùng nguyên liệu ổn định là 4.500 ha sắn, chủ yếu tại địa bàn huyện Thanh Chương. Các địa phương khác cũng có nhưng chưa nhiều: Anh Sơn (300 ha); Tân Kỳ (500 ha); Nam Đàn (120 ha); Con Cuông (130 ha); Đô Lương (100 ha)... Để giữ và phát triển vùng nguyên liệu cho nhà máy, thời gian qua, nhà máy áp dụng nhiều chính sách khuyến khích bà con nông dân tại các vùng nguyên liệu truyền thống của mình. Theo đó, mỗi năm nhà máy đầu tư gần 9 tỷ đồng để mua phân bón và giống cung ứng cho từng địa phương thông qua chính quyền, duy trì việc ký cam kết trồng sắn với từng hộ nông dân đến cuối vụ mới phải thanh toán mà không hề lấy lãi...
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quốc Hoàn, Tổng giám đốc Cty Intimex Nghệ An cho biết thêm: Chúng tôi có quan điểm rất rõ ràng về lợi ích của 3 nhà: Nhà nông - người làm dịch vụ - nhà máy. Do đó khi ban hành giá thu mua hàng năm, chúng tôi đều tính toán kỹ từ giá dịch vụ, đảm bảo tốt lợi ích cho người nông dân vừa đảm bảo giá trị thặng dư cho nhà máy. Bởi thế, ngay cả khi giá tinh bột sắn xuất khẩu giảm mạnh, chúng tôi vẫn không hạ thấp giá thu mua sắn nguyên liệu đến mức khiến nông dân bị lỗ phải chuyển sang trồng cây khác. Anh biết đấy, Nghệ An là tỉnh bị mưa lũ, ngập úng thường xuyên nên có khi đang còn khoảng 1-2 tháng nữa mới vào vụ thu hoạch thì hàng nghìn ha đã bị ngâm trong nước lũ. Những lúc như thế chỉ sau 2 ngày là củ sẽ bị thối và người dân sẽ trắng tay. Trong tình huống đó, để vớt vát một phần cho bà con chúng tôi đã thu mua và chế biến hàng nghìn tấn sắn non cho bà con. Nhờ đó, đã giữ được chữ tín với họ...
TIẾP TỤC GIÚP NÔNG DÂN
Ông Trần Quốc Hoàn chia sẻ: Để giúp nông dân trong vùng nguyên liệu không chỉ sống được mà còn tiến tới làm giàu từ việc thâm canh cây sắn, bên cạnh giống sắn cao sản KM 94 hiện đã phủ kín hết vùng sắn nguyên liệu của mình, chúng tôi tiếp tục đưa các giống sắn cao sản khác về khảo nghiệm. Hiện nay, bình quân mỗi năm chúng tôi đầu tư trên dưới 600 triệu đồng để khảo nghiệm các giống sắn mới có năng suất cao như KM94, HN124; KM98; KM114 và TC11 nhằm giúp người nông dân nâng cao thêm giá trị trên đơn vị SX hiện có. Rất phấn khởi là chúng tôi đã khảo nghiệm thành công giống sắn TC11 với năng suất cao, tỷ lệ tinh bột 27%, thời gian sinh trưởng gần 10 tháng.
Nhà máy tinh bột sắn Thanh Chương đã kết hợp với Tập đoàn AES của Hoa Kỳ đầu tư hệ thống xử lý nước thải hiện đại theo công nghệ CDMA nhằm xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường được nhân dân địa phương đánh giá cao. |
Với mức đầu tư thâm canh như hiện nay, giống sắn TC11 đã cho năng suất bình quân từ 48 đến 50 tấn sắn tươi/ha/vụ. Như vậy nếu so sánh với giống sắn KM94 hiện đang trồng phổ biến tại Thanh Chương thì giống sắn TC11 chỉ sau gần 10 tháng có thể thu lãi ròng gần 33,4 triệu đồng/ha, tăng hơn KM94 khoảng 7,5 triệu đồng/ha. Điều kỳ diệu thứ 2 là giống sắn mới này ngoài tỷ lệ tinh bột cao còn có thời gian sinh trưởng ngắn hơn so với KM94 từ 60 đến 90 ngày. Đây là yếu tố quan trọng không chỉ giúp người trồng sắn có điều kiện tăng thu nhập như đã nói ở trên, còn giúp Nhà máy chế biến rải vụ tránh được sức ép quá tải khi vào chính vụ thu hoạch. Thời gian còn lại trên 60 ngày còn đủ thời vụ để bà con trồng xen thêm 1 vụ cây trồng khác như lạc đông, đậu... nhằm góp phần cải tạo đất cho vụ sắn mới.
Năm 2012, chúng tôi đang làm 7 mô hình khảo nghiệm năm thứ 2 giống sắn TC11 tại 7 xã gồm: Thanh Đức (4 ha); Thanh Hòa (3 ha); Ngọc Lâm (4 ha); Thanh Nho (2 ha); Thanh Xuân (2 ha); Thanh Thủy (4 ha) và Thanh Khê (2ha). Hy vọng cùng với sự nỗ lực của chúng tôi và sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh xuống xã, trong thời gian tới khi giống sắn TC11 chính thức được Bộ NN-PTNT công nhận là giống sắn quốc gia thì TC11 sẽ là một trong những cây trồng hàng hóa mới giúp hàng nghìn hộ nông dân vùng nguyên liệu sắn của nhà máy tại Nghệ An nhanh chóng thoát nghèo và vươn lên thành hộ giàu.
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn