Khu vực trồng bưởi da xanh tại huyện Gia Bình, Bắc Ninh.
Ông Vũ Hùng cho biết, hiện toàn tỉnh Bắc Ninh có 530 HTX, thu hút hơn 120.500 thành viên và hơn 4.000 lao động trực tiếp. Nhiều HTX đã tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, mạnh dạn đầu tư, mua sắm máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến đưa vào sản xuất, nên sản phẩm làm ra đạt chất lượng tốt, nhiều mặt hàng đã vươn ra thị trường ngoài tỉnh.
Còn theo ông Phạm Minh Hiền, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Ninh, hiện nay, để đáp ứng các đơn hàng lớn, tiếp cận được doanh nghiệp trong KCN, các HTX đã bắt đầu quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, tiềm lực kinh tế đa phần các HTX còn hạn chế, khả năng theo đuổi quá trình xác lập sở hữu trí tuệ hay quảng bá, truyền thông sản phẩm tương đối khó khăn.
Cùng với đó, do đặc thù là hình thức tổ chức sản xuất tập thể, vấn đề quản lý trong suốt quá trình xây dựng, duy trì và phát huy giá trị thương hiệu cho số đông thành viên vẫn còn nhiều vướng mắc, nhất là lĩnh vực nông nghiệp đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quá trình sản xuất trên đồng ruộng, chuồng trại. Đi kèm với việc xây dựng thương hiệu còn phải xúc tiến thương mại trong thời gian dài mà ít HTX nào có kế hoạch thực hiện bài bản.
Thời gian qua, để tạo động lực cho các HTX xây dựng thương hiệu gắn với sản xuất an toàn, Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ kết nối cả đầu vào và đầu ra sản phẩm với KCN, đưa HTX tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa. Các ngành chức năng cũng đẩy mạnh việc hướng dẫn, xây dựng và xác lập quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm có thế mạnh của tỉnh như mây tre đan Xuân Lai, đồng Đại Bái... và tổ chức xúc tiến thương mại cho cà rốt, khoai tây… Riêng đối với các sản phẩm trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, theo Quyết định 46/2016/QĐ-UBND, 100% kinh phí xây dựng thương hiệu sẽ được UBND tỉnh hỗ trợ.
Ông Vũ Hùng cho hay, xác định rõ tầm quan trọng của kinh tế hợp tác xã, việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối kết hợp của các ngành trong khu vực.
Tuy nhiên, dù vai trò của các hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM đã được khẳng định, trên thực tế, con đường phát triển của kinh tế tập thể trên tỉnh Bắc Ninh vẫn đang gặp không ít khó khăn, trở ngại. Trước tiên, đó là nhận thức từ các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể về HTX và phát triển HTX còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, do tập tục sản xuất nhỏ lẻ của người dân nên khi tham gia vào HTX, đa số bà con chưa thực sự mạnh dạn trong việc đầu tư, góp vốn, huy động nguồn nhân lực để đảm đương quá trình phát triển của thành phần kinh tế quan trọng này.
Chưa kể, hầu hết các HTX đều rất khó khăn về vốn hoạt động, chưa tiếp cận được nhiều với các tổ chức tín dụng, thiếu thông tin tư vấn về chính sách tín dụng và không có tài sản thế chấp; phần lớn các HTX không có trụ sở, nhà xưởng sản xuất ổn định; không có đất thuê lâu dài, điều đó đồng nghĩa với việc các HTX chưa thể yên tâm đầu tư đổi mới công nghệ, hiệu quả sản xuất chưa cao...
Ông Vũ Hùng nhấn mạnh, trong giai đoạn đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, vị trí và vai trò của kinh tế HTX lại càng được đặt ra quan trọng hơn bao giờ hết. Để kinh tế tập thể phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, cần phát huy hơn nữa vai trò của cấp uỷ đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách có liên quan.
“Đặc biệt cần từng bước tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, chính sách liên quan đến HTX, như về giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho HTX, khuyến khích và hỗ trợ các HTX phát triển dịch vụ tín dụng nội bộ, hỗ trợ HTX vay vốn, xem xét bổ sung hướng dẫn về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội cho cán bộ HTX…” - ông Hùng chia sẻ.
Hải Nhi/daodoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn