Song điều bất cập là nhiều DN, tổ chức hay cá nhân muốn đứng ra tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn lại gặp khó khăn khi tìm quỹ “đất sạch”. Nút thắt về đất đai trong nông nghiệp là câu chuyện được nhiều chuyên gia cũng như địa phương lên tiếng, phân tích nhưng đến nay vẫn chưa được tháo gỡ.
Mặc dù đạt kim ngạch xuất khẩu trên dưới 30 tỷ USD mỗi năm, song ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường từng lên tiếng lo ngại, cơ bản sản xuất nông nghiệp của nước ta vẫn dựa trên quy mô nhỏ lẻ trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, riêng lĩnh vực trồng trọt có 13 triệu hộ nông dân, bình quân diện tích sản xuất chỉ đạt 0,3ha/hộ. Điều này không chỉ khiến cho việc tổ chức sản xuất hàng hóa lớn, hội nhập gặp khó khăn mà đánh giá thực tế hiệu quả trồng lúa cũng rất thấp. Theo thống kê, kể cả sản xuất 3 vụ lúa/năm, lãi gộp cao nhất cũng chưa đến 30 triệu đồng/ha nên người nông dân trồng lúa bao đời nay cũng chỉ “lấy công làm lãi”.
Để phá thế “tiểu nông” này, định hướng phát triển các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, những mô hình cánh đồng mẫu lớn với sự góp mặt của các DN đã được nhiều địa phương vạch ra. Ấy thế nhưng, khi đang hăm hở bắt tay vào làm “việc lớn”, cả DN và chính quyền địa phương đều vướng như gà mắc tóc. Đó là Luật Đất đai quy định chỉ được phép chuyển đổi ruộng đất trong phạm vi cùng xã, phường, gây khó khăn không nhỏ cho những người từ nơi khác muốn đến đầu tư. Hay Điều 109 Luật Đất đai 2013 cũng đang bộc lộ những bất cập trong quy định nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất. Đặc biệt, quy định về hạn điền theo Điều 129 Luật Đất đai thực sự đang trói buộc, kìm hãm sản xuất lớn. Theo đó, hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp không quá 3ha đối với tỉnh, TP thuộc khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, không quá 2ha đối với tỉnh, TP khác.
Một cuộc khảo sát mới đây của tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, trên thực tế, cả nông dân và DN đang thực sự cần cơ chế thông thoáng chứ không phải là nguồn lực đầu tư, trong đó quan trọng nhất là cơ chế về đất đai. Bởi vậy, theo các chuyên gia, cần phải có cơ chế đột phá trong lĩnh vực đất đai thì mới triển khai thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tín hiệu đáng mừng là trong nhiều cuộc làm việc với ngành nông nghiệp thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã lắng nghe, ghi nhận những vướng mắc này và chỉ đạo hướng tháo gỡ. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT sớm trình Chính phủ và báo cáo Quốc hội xem xét sửa Điều 109 Luật Đất đai, trước hết là có một số chính sách quy định phù hợp để mở rộng hạn điền, khuyến khích mạnh mẽ hơn cánh đồng mẫu lớn và đầu tư tư nhân vào nông nghiệp. Bên cạnh đó, mở rộng quyền sử dụng đất và bảo hộ quyền sử dụng đất cho các DN tư nhân. Nếu nút thắt trên sớm được tháo gỡ, chắc chắn ngành nông nghiệp sẽ có một bước đột phá mạnh mẽ trong tương lai không xa.
Theo: Thắng Văn/kinhtedothi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn