Xuất khẩu gạo sẽ có bước đột phá về chất khi Nghị định thay thế Nghị định 109/2010/NÐ-CP của Chính phủ được ban hành.
Theo đánh giá và kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM), thời gian gần đây, Bộ Công thương đã nỗ lực trong công tác cải cách hành chính, xóa bỏ thủ tục và nhiều điều kiện kinh doanh, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Từ năm 2016, Bộ Công thương đã thành lập Tổ công tác đặc biệt, nhằm tiến hành rà soát các thủ tục, điều kiện sản xuất, kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực mà Bộ chịu trách nhiệm quản lý, trên cơ sở khoa học và tuân thủ các cam kết quốc tế.
Năm 2016, Bộ Công thương đã bãi bỏ 39 trong số 453 thủ tục hành chính của Bộ trong các lĩnh vực: Thương mại điện tử, hóa chất, sản xuất, kinh doanh rượu, nhượng quyền thương mại, hoạt động mua bán hàng hóa, năng lượng, an toàn thực phẩm và điện lực. Ngày 28-12-2016, Bộ đã ban hành Thông tư số 36/2016/TT-BCT (thay thế Thông tư số 07/2012/TT-BCT ngày 4-4-2012) quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng theo hướng bãi bỏ các quy định gây khó khăn cho DN.
Thông tư 36/2016/TT-BCT cho phép thay đổi phương thức chứng nhận cho phương tiện thiết bị, tạo thông thoáng cho DN trong việc thực hiện thủ tục dán nhãn năng lượng; áp dụng hình thức để DN tự công bố mức hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng trên phương tiện thiết bị sản xuất, nhập khẩu; DN tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm công bố và dán nhãn; đồng thời, cho phép DN sử dụng kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng một lần đối với mỗi loại sản phẩm, áp dụng cho tất cả các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước cũng như các lô hàng nhập khẩu có cùng loại, cùng nhà sản xuất, xuất xứ và cùng đặc tính kỹ thuật (không giới hạn thời gian hiệu lực của phiếu thử nghiệm).
Việc cải cách thủ tục hành chính nhanh chóng và quyết liệt của Bộ Công thương được các DN, tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao, Phó Chủ tịch cao cấp Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN M.Mi-ha-lắc đánh giá: Bộ Công thương đã lắng nghe, thấu hiểu và tiếp thu các ý kiến một cách cầu thị trong sự tôn trọng, thể hiện quyết tâm đổi mới từ tư duy đến hành động; loại bỏ những điều kiện, "rào cản" bất hợp lý; góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh và niềm tin quốc gia trên trường quốc tế trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.
Trong năm 2017, Bộ Công thương đã chủ động rà soát và trình Chính phủ tám dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan các điều kiện thuộc nhóm điều kiện về hạn chế tiếp cận thị trường (điều kiện đầu tư kinh doanh) thuộc quản lý của Bộ như: Nghị định thay thế Nghị định số 19/2016/NÐ-CP về kinh doanh khí, Nghị định thay thế Nghị định số 109/2010/NÐ-CP về xuất khẩu gạo, Nghị định thay thế Nghị định số 140/2007/NÐ-CP về kinh doanh dịch vụ logistics... Ðó là những nhóm ngành liên quan, tác động rất lớn đến xuất, nhập khẩu và sự phát triển của nền kinh tế.
Theo đó, khi thực hiện, các văn bản nêu trên có thể bãi bỏ hàng trăm thủ tục và điều kiện cản trở sự phát triển của DN từ trước đến nay. Ðơn cử, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 109/2010/NÐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo gồm 31 điều, đã sửa đổi, bãi bỏ hai điều, bổ sung ba điều mới, sửa đổi, bổ sung 16 trong số 30 điều.
Cụ thể, dự thảo nghị định bãi bỏ một số điều kiện kinh doanh xuất khẩu (XK) gạo không còn phù hợp về kho chứa, cơ sở xay xát, dự trữ lưu thông, hợp đồng XK gạo tập trung; dự thảo bổ sung quy định thương nhân đã xây dựng vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc, gạo theo lộ trình do Bộ Công thương ban hành thì không cần điều kiện về kho chứa, cơ sở xay xát thóc, gạo; DN được tạo điều kiện cao nhất để đẩy mạnh XK gạo khi trong dự thảo nghị định bãi bỏ quy định tiêu chí đăng ký hợp đồng XK gạo và quy định về giá sàn; giảm quy định lượng gạo dự trữ lưu thông của thương nhân từ 10% xuống còn 5%; DN chỉ cần thông báo hợp đồng gạo, XK gạo trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công thương...
Ðánh giá về những thay đổi quan trọng trong sửa đổi Nghị định 109/2010/NÐ-CP về XK gạo, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam Hoàng Trọng Thủy cho rằng, dự thảo nghị định mới giúp hạn chế giấy phép con, tạo điều kiện cho DN năng động tìm kiếm thị trường, tạo nền tảng xây dựng thương hiệu gạo của DN cũng như thương hiệu gạo quốc gia...
Theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, việc rà soát các thủ tục, điều kiện kinh doanh là dịp để các đơn vị liên quan của Bộ soi lại mình, đổi mới tư duy tiếp cận, phù hợp với tinh thần Chính phủ kiến tạo vì người dân, DN... vì lợi ích của xã hội và sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, việc rà soát, đánh giá cần làm đồng bộ. Việc sửa đổi, đơn giản hóa, loại bỏ các điều kiện kinh doanh có thể kéo theo sửa đổi nhiều văn bản luật, nhưng vẫn quyết tâm thực hiện trên quan điểm là xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Từ tháng 9 này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sẽ chịu trách nhiệm cùng Tổ công tác của Bộ tiến hành giám sát, rà soát, nhanh chóng cắt giảm các điều kiện được cho là gây ra những vướng mắc và rào cản cho sự phát triển của cộng đồng DN.
VIỆT THÁI
http://www.nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn