Cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao theo hướng mở.
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu, thế nhưng, nghịch lý là, số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này còn khá khiêm tốn, hiện chỉ mới chiếm 1 - 2% tổng số doanh nghiệp của cả nước.
Nhiều vướng mắc
Từ khi có Nghị quyết 26-NQ/TW (Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nền nông nghiệp nước ta đã đạt được nhiều thành tựu lớn. Mô hình nông nghiệp sạch được thúc đẩy phát triển, phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, nông nghiệp nước ta còn phát triển kém bền vững, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất.
Thực tế, một số địa phương đã có những mô hình đầu tư vào sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao như: trồng hoa, rau sạch, chuối xuất khẩu, nuôi bò... nhưng số lượng còn ít, chưa phổ biến. Nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư, còn chần chừ chờ đợi chính sách.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), trong giai đoạn hiện nay, khi hệ thống sản xuất không đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá, sản xuất nông nghiệp đã bộc lộ những hạn chế, đó là: hiệu quả kinh tế thấp, chi phí sản xuất cao, giá trị sản phẩm thấp so với mặt hàng cùng loại trên thế giới và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, còn có một số tồn tại khác như sự chấp nhận và chọn lọc của cộng đồng xã hội. Người dân chưa thực sự ủng hộ và tin tưởng vào sản phẩm nông sản an toàn. Vì vậy, những sản phẩm này không mang lại giá trị gia tăng cao hơn so với các sản phẩm bình thường, không khuyến khích được sản xuất. Cơ chế giám sát còn nhiều lỗ hổng, khiến người tiêu dùng khó có thể nhận diện được sản phẩm an toàn.
Ông Đỗ Hữu Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT) khẳng định, thách thức lớn nhất trong ngành chăn nuôi là làm sao sản xuất được sản phẩm chất lượng với giá thành cạnh tranh, trong đó vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh liên quan chủ yếu tới việc lạm dụng các hóa chất đầu vào. Hiện nay, khung pháp lý về an toàn thực phẩm ở Việt Nam đã được cải tiến rất nhiều nhưng quá trình triển khai còn nhiều hạn chế.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, đó còn là hạn chế trong chính sách mở rộng hạn điền, chính sách về tín dụng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp xanh, sự phối kết hợp giữa Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà kinh doanh còn hạn chế…
Nêu những vướng mắc khi cho vay nông nghiệp công nghệ cao, ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank cho biết, do quy hoạch cây, con, ngành nghề của địa phương chưa rõ, còn manh mún; việc cấp giấy chứng nhận nông nghiệp công nghệ cao còn chậm và các ngân hàng phải tự mày mò các quy định liên quan; giá trị đất đai làm tài sản đảm bảo thấp do địa phương định giá theo khung giá nhà nước trong khi khoản vay giá trị lớn; pháp luật chưa cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp (nhà xưởng, nhà kính…) trong khi đây đều là những tài sản có giá trị cao…
Đồng bộ giải pháp
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, cả thiết bị, máy móc, cũng như công nghệ thông tin, mạng xã hội, các phương thức kết nối phi truyền thống vào lĩnh vực nông nghiệp để sản xuất nông sản hàng hóa có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường theo quy định của pháp luật. Giải bài toán nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam cần có sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân; trong đó, liên kết giữa nhà nông và nhà đầu tư là nòng cốt.
Có chính sách tín dụng tạo động lực cho nông nghiệp phát triển.
Trước hết, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao theo hướng mở, có chính sách ưu đãi cho các khu nông nghiệp công nghệ cao theo hướng phát huy lợi thế địa phương và bảo đảm mọi nông dân ở mọi vùng miền, bất kể quy mô nào, tính chất như thế nào cũng được khuyến khích áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; chủ động xây dựng cho được chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến và phân phối nông sản trong nước, cũng như tích cực tham gia hiệu quả vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu.
Đồng thời, quy hoạch đất nông nghiệp cần đồng bộ giữa đất sản xuất với hệ thống nước tưới, kênh mương, đường, điện... Kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, tạo thuận lợi cho quá trình tích tụ ruộng đất, có chính sách để nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp; rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi về đất đai để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Đặc biệt, cần có đột phá trong cơ chế đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhất là cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản. Tách bạch rõ ràng giữa tín dụng chính sách với tín dụng thương mại. Khi thực hiện nhiệm vụ chính sách, các tổ chức tín dụng cũng phải được hưởng những ưu đãi của chính sách như các đơn vị thụ hưởng, được hỗ trợ nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất do thực hiện chính sách giảm lãi suất; cách tính các hệ số an toàn, chính sách thuế, cơ chế xử lý rủi ro cần linh hoạt hơn. Không hình sự hóa các quan hệ tín dụng, xác định đến cùng trách nhiệm trả nợ của người vay, ngăn chặn sự lạm dụng, rủi ro đạo đức và giảm tâm lý lo ngại của cán bộ tín dụng khi thực hiện cho vay khách hàng.
Ngoài ra, cần khuyến khích thành lập một số quỹ bảo hiểm nông nghiệp, quỹ hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp, cũng như coi trọng xây dựng các cơ chế, chính sách, lộ trình thực hiện các ưu đãi thuế, tín dụng; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực và cán bộ; phát triển các trung tâm và các dịch vụ hỗ trợ chuyển giao và quản lý công nghệ cao trong nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng và phát triển, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì, xây dựng thương hiệu, áp dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản; xây dựng và duy trì hàng rào kỹ thuật đúng quy định và các cam kết hội nhập để bảo vệ nông nghiệp trong nước; hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong việc làm hồ, đập thủy lợi nhỏ và có chính sách tín dụng cho vay vốn để thay đổi công nghệ trong sản xuất, tạo động lực cho nông nghiệp phát triển.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cả trong nước và quốc tế, tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản chất lượng cao có giá trị. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến và lồng ghép các nhiệm vụ của chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các nhiệm vụ phát triển của ngành, địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Nâng cao năng lực và hiệu lực quản lý của Nhà nước trong việc kiểm soát quy chuẩn chất lượng các sản phẩm nông nghiệp được minh bạch, tin cậy và khuyến khích đầu tư, sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp sạch với đặc thù giá thành cao; xử lý nghiêm minh các hành vi gian lận, vi phạm pháp luật; coi trọng dự báo và cung cấp thông tin thường xuyên về cung - cầu, giá cả thị trường trong nước và thế giới; hỗ trợ tuyên truyền, tiếp thị, quảng bá để tạo thương hiệu quốc gia, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.
Bên cạnh đó, các địa phương thuộc quy hoạch tổng thể khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 575/QĐ-TTg, ngày 04/5/2015 (giai đoạn đến năm 2020) cần chủ động huy động nguồn lực, bảo đảm đủ kinh phí đầu tư xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng điện, đường, nước; nghiên cứu phát triển các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp kiểu mới.
Thành lập và phát triển các câu lạc bộ nông nghiệp công nghệ cao các cấp với quy mô và nội dung hoạt động phù hợp ở các địa phương có sự kết nối toàn quốc và khuyến khích các hình thức hợp tác, liên kết tổ chức sản xuất gắn với chế biến, xây dựng, quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giữa người sản xuất, các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp. Coi trọng hiện đại hóa, nâng cấp văn minh thương mại, khắc phục tình trạng bán hàng kiểu đổ đống, không bao bì, nhãn mác, thương hiệu, không áp phích, poster giới thiệu… để tạo động lực mới và mở ra cơ hội mới, kỳ vọng mới cho phát triển và hiện đại hóa bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam.
Theo: Hoàng Anh/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn