Chiến sĩ biên phòng giúp đồng bào vùng cao cấy lúa.
1. Cuối năm 2014, xã biên giới A Nông tổ chức lễ công bố xã NTM theo quyết định của UBND tỉnh. Niềm vui vỡ òa trong đồng bào người địa phương. Ông Alăng Bao - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã A Nông vào thời điểm đó nói với chúng tôi rằng, thành công của NTM tại địa phương, cùng với sự hỗ trợ của đồng bào Cơ Tu, có không ít công sức đóng góp của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Nông. Trong số đó, phải kể đến các tiêu chí về an ninh trật tự xã hội và hình thức tổ chức sản xuất. Bằng rất nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, các chiến sĩ BĐBP đã giúp bà con làm kinh tế, từng bước tạo sự đổi thay trên vùng quê nghèo. Từ việc giúp dân biết cách làm ruộng lúa nước, cho đến giúp dân làng học cái chữ, vận động tuyên truyền nhân dân ăn ở hợp vệ sinh, cùng tham gia bảo vệ đường biên giới,… những đóng góp của các chiến sĩ Đồn biên phòng A Nông đã góp phần không nhỏ cho sự thành công của chương trình NTM tại địa phương.
Là nơi cư trú của hơn 93% đồng bào dân tộc Cơ Tu, địa bàn các xã A Nông, Lăng, A Tiêng, Bha Lêê của huyện Tây Giang luôn được biết đến với những đổi thay không ngừng. Đường sá bay giờ đã dần hoàn thiện, nhà cửa đồng bào dần được khang trang, ruộng lúa xanh ngát ngoài đồng,.. làm nên diện mạo mới đầy ấn tượng ở vùng biên viễn Tây Giang đầy nắng gió. Hơn ai hết, chính đồng bào Cơ Tu nơi đây luôn ghi nhớ rằng, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, còn có sự giúp sức của các chiến sĩ BĐBP trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cũng như ổn định cuộc sống lâu dài ở miền núi. Ông Blúp Mía, một người dân ở thôn Axoò (xã A Nông) cho biết: “Không chỉ giúp hướng dẫn người dân biết cách làm ruộng lúa nước, các chiến sĩ biên phòng còn tận tình giúp dân ở đây dựng nhà, làm đường đi, cùng san ủi mặt bằng,… Điều gì chưa rõ, chưa biết, người dân cứ đến đồn biên phòng hỏi, sẽ biết ngay thôi. Bà con ở đây rất quý bộ đội, nhờ bộ đội mà chúng tôi mới có được như ngày hôm nay”. Còn ông Alăng Lia - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã A Nông cho hay, gắn bó với cuộc sống của đồng bào vùng cao, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng A Nông đã tạo nên dấu ấn khi giúp nhân dân địa phương làm thí điểm mô hình trồng lúa nước ở thôn A Cấp và một số điểm ở A Rớt, bằng cách đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào cấy lúa nước. Từ hiệu quả đem lại, đồng bào đã học cách làm theo và đến nay nhiều ruộng lúa nước đã cho năng suất khá cao, góp phần đẩy lùi tình trạng đói giáp hạt theo các năm.
2. Nhiều năm trước, địa bàn các xã biên giới A Nông, A Tiêng, Bha Lêê,… toàn đồi núi, nhà cách nhà vài ba cây số. Không điện, không đường, đời sống của người dân còn gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Nhưng, bây giờ đã hoàn toàn khác, Tây Giang đẹp không chỉ về phong cảnh thiên nhiên ban tặng, mà còn là những cánh đồng lúa nước, những con đường quanh co, uốn lượn kéo dài về tận cặp cửa khẩu phụ Tây Giang - Kà Lừm (Sê Kông, Lào) với những cột mốc chủ quyền sừng sững. Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang hồ hởi: “Nói đến đóng góp của cán bộ, chiến sĩ biên phòng đối với đồng bào vùng cao Tây Giang phải nhắc đến những cánh đồng của bà con dân bản, những con đường làng sạch bóng, những nét chữ in nghiêng trên trang vở của các em học sinh, cả những đổi thay trong nhận thức của đồng bào bản địa,... Còn nhiều, nhiều lắm. Đó là chưa nói đến công tác phối hợp giữa các đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn với chính quyền các xã biên giới trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc chủ quyền an ninh biên giới. Tất cả đều góp phần rất lớn trong công cuộc xây dựng NTM”.
Bộ đội Biên phòng giúp dân làm đường giao thông, góp sức xây dựng vùng biên sạch đẹp, an toàn. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Kể từ khi phong trào “BĐBP chung tay xây dựng NTM” được phát động, hình ảnh người lính mang quân hàm xanh trở nên gần gũi với đồng bào vùng cao hơn bao giờ hết. Bởi các anh đã cùng giúp đỡ đồng bào từ việc làm ruộng, đổi mới phương thức canh tác nương rẫy, cho đến hướng dẫn làm kinh tế, phát triển các mô hình sản xuất nông - lâm hiệu quả,… Vì thế, nhờ có những người lính biên phòng, diện mạo cuộc sống của đồng bào vùng cao Tây Giang dần đổi thay từng ngày, đầy khởi sắc. Thượng tá Nguyễn Đăng Tuấn - Chính trị viên Đồn Biên phòng A Nông chia sẻ, nhiều năm qua hình ảnh bộ đội giúp dân gặt lúa, trồng cao su, làm đường giao thông nông thôn đã không còn xa lạ với người dân ở các xã vùng cao Tây Giang. “Đối với đồng bào, việc định hướng làm kinh tế, thay đổi nếp nghĩ là vấn đề không hề đơn giản. Chính vì vậy, để người dân nghe theo, hàng ngày cán bộ chiến sĩ trong đơn vị phải đến gõ cửa từng nhà, cùng đồng bào bàn cách lựa chọn giống cây trồng, con vật nuôi và trực tiếp truyền đạt kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác để phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong thời gian triển khai thực hiện chương trình NTM, cùng với công tác phối hợp với chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng A Nông đã xác định công việc, phần việc cụ thể, để cùng với địa phương triển khai thực hiện làm đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, giúp nhân dân di dời vào khu tái định cư mới, làm tốt công tác vệ sinh môi trường” - Thượng tá Nguyễn Đăng Tuấn cho biết thêm.
Nơi biên cương xa xôi, diện mạo NTM nay đã và đang thay da đổi thịt từng ngày. Trên suốt hành trình dài ấy luôn in đậm dấu chân của những người lính biên phòng cùng đồng bào miền núi. Câu chuyện đẹp của họ bền chặt như tấm azuông (xà lùng, thổ cẩm) lung linh đầy màu sắc.
ALĂNG NGƯỚC - HỒNG ANH
Theo Báo Quảng Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn