Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khảo sát mô hình sản xuất lúa cánh đồng mẫu lớn của tổ hợp tác Khiết Tâm. Ảnh VGP/Hoàng Long
Buổi tọa đàm là cơ hội để các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành, các tổ chức, cá nhân trao đổi kinh nghiệm nhằm tháo gỡ những khó khăn về phương thức hoạt động HTX kiểu mới và quá trình thực hiện mô hình hợp tác kiểu mới tại ĐBSCL.
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Nguyễn Phong Quang cho biết: Trong xu thế hội nhập và phát triển, liên kết, hợp tác là một tất yếu khách quan, nhất là HTX trên lĩnh vực nông nghiệp cần được xem trọng.
Từ quy hoạch phát triển hệ thống thủy lợi, xây dựng và nhân rộng cánh đồng lớn, khâu làm đất, chọn giống, xuống giống, nguồn nước tưới tiêu, thu hoạch, bảo quản, cơ giới hóa nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nguồn vốn tín dụng và tìm đầu ra cho sản phẩm… phải được thực hiện đồng bộ, nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận cho người dân và đảm bảo đời sống người dân được nâng lên.
Những mô hình kinh tế hợp tác, HTX kiểu mới được thực hiện thành công, nhất là đối với 3 sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL là lúa gạo, thủy sản và trái cây, sẽ mang lại hiệu quả cao về kinh tế, có tác động lan tỏa trong sản xuất nông nghiệp của vùng.
Trên cơ sở khảo sát mô hình ở một số địa phương, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, không thể tiếp tục quản lý từng HTX như thời gian qua, mà cần phải có tư duy mới về kinh tế hợp tác và có bước đột phá về hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập của xã viên so với người không vào HTX.
Ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định, với HTX kiểu mới, nông nghiệp Việt Nam có khả năng chuyển sang một giai đoạn phát triển mới về chất, có tính đột phá, khắc phục được các yếu kém, cản trở kéo dài suốt 30 năm qua.
Khi có HTX, có thể bán hàng với quy mô lớn, cam kết chất lượng và thương hiệu sản phẩm, từ đó, làm cho giá tiêu thụ ổn định. HTX gắn với DN sẽ giải quyết được bài toán được mùa, rớt giá và có thể yêu cầu Nhà nước bao tiêu sản phẩm.
Ông Nguyễn Thiện Nhân khảo sát mô hình chăn nuôi bò sữa của HTX chăn nuôi bò sữa Long Hòa |
Tại buổi toạ đàm, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đã nêu 4 yếu tố cơ bản để khẳng định tính ưu việt của HTX kiểu mới. Đó là giúp nông dân giảm chi phí, nhưng tăng năng suất, chất lượng; hỗ trợ cách quản lý về chất lượng nông sản để đưa sản phẩm của hộ nông dân ra thị trường; nắm bắt, tranh thủ được những hỗ trợ của Nhà nước, DN để giúp nông dân tiếp cận trực tiếp với KHCN để nâng cao năng suất; giúp nông dân có cơ chế và pháp nhân để huy động vốn, bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.
Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các Bộ, ngành liên quan tổng hợp, lựa chọn, biên soạn 30 mô hình điển hình về HTX và tổ sản xuất kiểu mới để tuyên truyền, sau đó phát hành sổ tay về xây dựng và phát triển HTX kiểu mới, phổ biến toàn quốc.
Liên minh HTX Việt Nam cần tổ chức triển khai giám sát về thực hiện chính sách tín dụng đối với HTX trên cả nước. Trong quá trình này cần chọn ra 10 hồ sơ vay vốn điển hình nhất của 10 HTX mong muốn vay mà không thể vay vốn để thảo luận, từ đó tháo gỡ về cơ chế, chính sách tín dụng đang bế tắc lâu nay, gỡ khó cho người nông dân.
Tại 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL từ nay đến tháng 11/2015, mỗi địa phương cần đặt mục tiêu thành lập 1-2 HTX kiểu mới.
Sáng nay, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đã có đợt khảo sát mô hình liên kết sản xuất cánh đồng mẫu lớn của tổ hợp tác sản xuất lúa Khiết Tâm (Ấp D2, xã Thạnh Lợi, TP Cần Thơ) và HTX chăn nuôi bò sữa Long Hòa (Phường Long Hòa, TP Cần Thơ).
Từ Lương
chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn