Vụ xuân 2019, một số xã trong tỉnh Hà Nam đã sử dụng máy bay không người lái phun phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Đây là một trong những cách giúp nâng cao hiệu quả, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp...
Việc đưa máy bay phun phân bón, thuốc BVTV còn giúp hoàn thiện cơ giới hóa các khâu sản xuất trên đồng ruộng.
Trong đợt sử dụng phân bón Power Ant cho lúa xuân 2019, HTX nông nghiệp Nhân Mỹ (Lý Nhân) đã triển khai thử nghiệm phun bằng máy bay điều khiển từ xa trên cánh đồng mẫu rộng 25ha.
Theo đó, thay vì chia phân bón Power Ant về cho các hộ bón như trước đây HTX nông nghiệp Nhân Mỹ đã thuê máy bay về phun tập trung. Do là vụ đầu tiên thử nghiệm, HTX đã hỗ trợ các hộ hơn 50% công phun, tương đương 15.600 đồng/sào, người dân góp 15.000 đồng còn lại.
Việc sử dụng máy bay phun phân Power Ant cho lúa không chỉ bảo đảm sự đồng đều, mà không phải mất công chia nhỏ loại phân này chia cho từng hộ.
Máy bay phun phân bón trên cánh đồng lúa tại xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
Bà Trần Thị Hòa, Giám đốc HTX nông nghiệp xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân cho biết: Trên cơ sở thử nghiệm máy bay phun phân bón trên đồng ruộng, tới đây, HTX sẽ tiếp tục thuê máy bay phun thuốc BVTV cho lúa. Về chi phí, phun bằng máy bay tương đương với phun thủ công truyền thống (30.000 đồng/sào). Tuy nhiên, chắc chắn phun bằng máy bay sẽ đồng đều, hiệu quả hơn.
Với huyện Duy Tiên, việc đưa máy bay vào phun phân bón, thuốc BVTV đã được thử nghiệm từ năm 2018 cho hơn 30 ha ngô trên phần ruộng chuyển đổi của xã Mộc Bắc. Từ hiệu quả của mô hình thử nghiệm ban đầu, vụ xuân 2019, huyện đã mở rộng triển khai đồng loạt tại 8 HTX trên địa bàn với tổng diện tích 230ha lúa.
Trong đó, máy bay được sử dụng phun cả phân bón Power Ant, thuốc trừ cỏ và tới đây dành 30 ha tại HTX Châu Giang phun thuốc trừ sâu cho lúa. Do trên địa bàn huyện đã có doanh nghiệp đầu tư 2 máy bay điều khiển từ xa phun phân bón, thuốc BVTV nên chủ động được thời điểm phun.
Theo ông Phạm Văn Thập, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Duy Tiên cho biết. hiệu quả của việc sử dụng máy bay phun phân bón, nhất là thuốc BVTV có những ưu điểm vượt trội. Duy Tiên đang hướng đến cơ giới hóa toàn bộ các khâu sản xuất nhằm giảm sức lao động và bảo đảm sức khỏe cho người nông dân.
Thực tế sử dụng máy bay vào khâu phun phân bón, thuốc BVTV thời gian qua cho thấy năng suất của máy hoạt động cao hơn từ 50 - 60 lần so với phun thủ công (1 máy bay tương đương 50 - 60 người phun), đáp ứng kịp thời phòng trừ sâu bệnh. Khi phun bằng máy bay trên cánh đồng lớn sẽ loại bỏ được tình trạng có hộ phun, hộ không phun dẫn đến phòng trừ không triệt để như trước đây.
Không những vậy, khi sử dụng máy bay phun thuốc BVTV, chất lượng, liều lượng thuốc cũng được bảo đảm. Về chi phí công phun, theo giá hiện nay máy bay phun 30.600 đồng/sào, bằng 60% phun thủ công (30.000 đồng/bình (1,5 - 2 bình/sào), đồng thời tiết kiệm được 30% lượng thuốc so với phun thủ công.
Đặc biệt, khi phun bằng máy bay, người dân không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV nên bảo đảm sức khỏe, 100% vỏ bao bì đựng thuốc BVTV sẽ được đơn vị phun thu gom, không để thải ra môi trường đồng ruộng.
Tuy nhiên, việc đưa máy bay vào phun phân bón, thuốc BVTV hiện đang gặp hạn chế nhất định. Cụ thể, để máy bay hoạt động hiệu quả cần có sự đồng thuận của người dân sản xuất trên diện tích lớn.
Hiện nay, các đơn vị có máy bay ký hợp đồng với những diện tích rộng từ 10 ha trở lên. Để làm được điều này đòi hỏi HTXDVNN phải tăng cường tuyên truyền, vận động bà con nông dân sử dụng dịch vụ phun phân bón, thuốc BVTV bằng máy bay.
Theo Hà Nam/kinhtenongthon.vn