Mô hình trồng rau hữu cơ ở Thanh Xuân cho hiệu quả cao. Ảnh: Ngọc Quỳnh
Nhiều năm trước, nông dân thôn Bái Thượng (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn) chủ yếu trồng rau theo phương pháp truyền thống nên sản phẩm chưa đạt chất lượng và thu nhập không ổn định. Năm 2008, thông qua Hội ND huyện Sóc Sơn và chính quyền địa phương, thôn được triển khai 2 dự án trồng rau hữu cơ của Trung tâm Hành động vì sự tiến bộ đô thị (Australia) và ADDA (Đan Mạch). Theo đó, một số hộ nông dân tham gia dự án được tập huấn, hướng dẫn kiến thức trồng, chăm sóc rau trên diện tích 7.000m2 theo hướng hữu cơ (bón phân ủ hoai, đậu tương ngâm...), không sử dụng thuốc hóa học.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ kinh doanh nông nghiệp hữu cơ Hoàng Văn Hưng, sản phẩm rau của dự án bảo đảm chất lượng và sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng... nên nông dân Bái Thượng nhiệt tình hưởng ứng. Từ năm 2010 đến nay, thôn mở rộng diện tích trồng rau hữu cơ lên 6ha với các loại rau ăn lá, củ, quả, rau gia vị… Nhờ tích cực luân canh, xen vụ, mỗi sào rau cho thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng/năm.
Phó Chủ tịch Hội ND xã Thanh Xuân Lê Minh Quyền cho biết, “Rau hữu cơ Sóc Sơn” là nhãn hiệu nông sản đầu tiên của Hà Nội do Hội ND xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn là chủ sở hữu. Đến nay, xã Thanh Xuân đã phát triển được 30,5ha rau trồng theo phương pháp hữu cơ, tập trung tại các thôn: Thanh Nhàn, Bái Thượng, Trung Na…
Sản phẩm rau hữu cơ được người tiêu dùng ưa chuộng, nên giá rau hữu cơ bán luôn gấp 2 - 2,5 lần so với các loại rau trồng theo phương thức truyền thống. Trung bình mỗi năm, địa phương xuất bán cho thị trường 400 tấn rau hữu cơ, đem lại thu nhập trên dưới 6 tỷ đồng cho hội viên. Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, giúp hội viên yên tâm sản xuất, Hội ND xã Thanh Xuân đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với các công ty và điểm bán sản phẩm hữu cơ trên địa bàn thành phố.
Ông Nguyễn Quốc Ân – Chủ tịch Hội ND huyện Sóc Sơn cho biết: Thời gian qua, các cấp Hội ND trong huyện đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, đạt những kết quả tích cực. Hội đã phát triển nguồn quỹ, phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ trên 14.400 lượt nông dân vay vốn trên 161 tỷ đồng.
Hội cũng đã mở nhiều lớp tập huấn cho nông dân về xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 60.000 lượt hội viên. Hội cũng phối hợp xây dựng 7 hợp tác xã, 5 chi hội nghề, 3 tổ hội nghề nghiệp, 34 nhóm sản xuất rau hữu cơ dưới sự quản lý của Hội ND.
Theo Thu Hà/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn