Hà Nội đặt mục tiêu nâng cao chất lượng các tiêu chí ở những xã đã đạt chuẩn NTM
Giữ vững, nâng cao chất lượng tiêu chí đã đạt chuẩn nông thôn mới
Hiện nay, thành phố có 255/386 xã đạt chuẩn NTM. Trong số 131 xã còn lại, có 88 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí (giảm 5 xã so với quý II/2017). Theo quy định mới, việc đánh giá, chấm điểm các tiêu chí công nhận xã đạt chuẩn NTM quy định ở mức cao hơn trước đây. Do vậy, trong quý III/2017, một số tiêu chí giảm so với quý II, như: trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, nhà ở dân cư, tổ chức sản xuất, giáo dục, văn hóa, quốc phòng an ninh.
Mặc dù nhiều xã khó đạt theo các tiêu chí mới, tuy nhiên các sở, ban, ngành của thành phố cũng tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương thực hiện theo đúng quy định. Đối với tiêu chí quy hoạch, tính đến nay, thành phố hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quy hoạch cho 11/18 gồm huyện hoàn thành tiêu chi quy hoạch. Về tiêu chí xây dựng cơ sở hạ tầng tiếp tục có chuyển biến tích cực. Hệ thống thủy lợi đến nay có 361 xã đạt và cơ bản đạt, tăng 3 xã so với quý II/2017. Tiêu chí về điện có 386 xã đạt và cơ bản đạt, tăng 3 xã so với thời gian trước.
Riêng nhóm tiêu chí về phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất có những thay đổi tích cực, trong đó thu nhập của người dân ở các xã tăng. Đến nay, có 331 xã đạt và cơ bản đạt, tăng 10 xã so với quý II/2017. Tỷ lệ hộ nghèo được cấp thẻ Bảo hiểm y tế tăng lên 251.248 người. Hỗ trợ tiền điện cho 100% hộ nghèo được đảm bảo. 9 tháng đầu năm 2017, toàn Thành phố giải quyết việc làm cho 127.000/152.000 người, đạt 83,5% kế hoạch.
Bên cạnh việc đầu tư cho nhóm tiêu chí về cơ sở vật chất, phát triển kinh tế, thành phố cũng chú trọng đầu tư cho nhóm tiêu chí về văn hóa - xã hội. Theo đó công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân từ huyện đến xã tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trong tiêu chí về văn hóa, đến nay, đã 363 xã đạt (90,04%). Các huyện, thị xã tiếp tục duy trì tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, các ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Đến nay, đã có 319/386 xã đạt và cơ bản đạt. Trên địa bàn Thành phố tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh là 100%, trong đó có 39% số dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Nhân rộng thêm nhiều huyện nông thôn mới
Về một số huyện, xã công nhận đạt chuẩn NTM, trong quý III, năm 2017 thành phố có thêm huyện Thanh Trì được công nhận đạt chuẩn NTM, nâng tổng số huyện NTM toàn thành phố lên 3 (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì). Huyện Hoài Đức đã được Hội đồng thẩm định Trung ương thẩm định và đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận đạt chuẩn NTM năm 2017.
Ở các đã đạt chuẩn về NTM các huyện cũng đang tích cực duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí ở những xã đã đạt chuẩn NTM. Việc tập trung cho phát triển kinh tế được coi trọng. Trong đó sản xuất nông nghiệp cũng được tích cực đầu tư. Tính đến nay, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 239 triệu đồng/ha/năm (tăng hơn 4 triệu đồng so với kế hoạch đề ra). Trên địa bàn thành phố đã xây dựng được 89 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (tăng 33 mô hình so với quý II), 56 mô hình hoạt động theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh những huyện đã về đích huyện NTM, nhiều địa phương khác cũng đã tích cực thực hiện các giải pháp để 100% số đã đạt chuẩn NTM. Tại huyện Gia Lâm, ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết: hiện nay, huyện đăng ký đưa 3 xã cuối cùng về đích để đến cuối năm hoàn thành chương trình xây dựng NTM ở 100% xã, phấn đấu đạt huyện NTM vào năm 2018. Đến nay, cả 3 xã đều cơ bản đạt 19/19 tiêu chí và 96 - 98% ý kiến người dân đồng tình, hài lòng với kết quả xây dựng NTM trên địa bàn. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao đời sống cho người dân nông thôn, hiện nay, cũng tích cực đầu tư hỗ trợ 13 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, hỗ trợ thực hiện chuyển đổi 481ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả trên địa bàn 5 xã, nhằm nâng giá trị thu nhập lên 260 triệu đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu kế hoạch về xây dựng NTM trong năm 2017, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các huyện đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Lãnh đạo Thành ủy cũng yêu cầu Sở KH - CN phối hợp với Sở NN & PTNT cùng với các huyện tổ chức hội nghị 4 nhà vào đầu tháng 11, nhằm thúc đẩy sự liên kết trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Để có thêm các nguồn lực trong xây dựng NTM, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài chính chịu trách nhiệm phê duyệt giá sàn của đấu giá đất, đấu giá đất xen kẹt ở các huyện để các địa phương tiến hành đấu giá, tạo nguồn vốn phục vụ xây dựng NTM..
Theo Huyền Anh/infonet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn