“Tập trung đẩy mạnh đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp, nông thôn là giải pháp then chốt trong nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của toàn thành phố. Đặc biệt là việc đầu tư các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vào sản xuất; nâng cao năng lực quản lý, điều hành chuyên môn của các đơn vị liên quan nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia sản xuất đạt hiệu quả cao”.
Đó là nhấn mạnh của bà Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội tại Hội nghị giao ban quý I - nhiệm vụ, giải pháp 9 tháng cuối năm 2018 của Ban chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”. Hội nghị do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều hôm nay (29/3), tại Hà Nội.
Nông nghiệp chuyển biến tích cực
Phát biểu tại Hội Nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội - ông Chu Phú Mỹ cho biết, sản xuất nông nghiệp trong quý I được quan tâm và đạt được những kết quả quan trọng, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực.
Cụ thể, thành phố đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn có giá trị kinh tế cao; một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu sản phẩm có chất lượng, đáp ứng cơ bản yêu cầu của nhân dân.
“Một số vùng sản xuất lúa chất lượng cao giá trị thu nhập tăng thêm so với sản xuất lúa truyền thống từ 25-30%; vùng sản xuất rau an toàn giá trị đạt từ 400-500 triệu đồng/ha/năm, thậm chí có mô hình 4-5 tỷ đồng/ha như mô hình trồng rau hữu cơ của gia đình bà Đặng Thị Cuối ở HTX nông nghiệp Đan Phượng, xã Đan Phương, huyện Đan Phượng. Vùng trồng cây ăn quả giá trị từ 0,5-1 tỷ đồng/ha/năm; vùng trồng hoa, cây cảnh giá trị từ 0,5-1,5 tỷ đồng/ha/năm, có nơi đạt 2 tỷ đồng/ha/năm. Vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư giá trị từ 1-2 tỷ đồng/ha/năm; vùng nuôi trồng thủy sản giá trị từ 200-300 triệu đồng/ha/năm…”, Giám đốc Chu Phú Mỹ nêu rõ.
Đặc biệt, thành phố đã tập trung xây dựng mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, đến nay có 120 mô hình, tăng 15 mô hình so với cuối năm 2017. Trong số đó, địa phương có nhiều mô hình như: Mê Linh 18 mô hình, Gia Lâm 17 mô hình, Thường Tín 14 mô hình, Thanh Oai 9 mô hình, Phúc Thọ 8 mô hình, Đông Anh 8 mô hình,... Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay tuy quy mô còn nhỏ, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội.
Việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị có vai trò rất quan trọng quyết định tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay đã có 95 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tăng 24 mô hình liên kết so với cuối năm 2017. Trong đó các địa phương có nhiều mô hình liên kết như: Gia Lâm 18 mô hình, Đông Anh 14 mô hình, Quốc Oai 9 mô hình, Mỹ Đức 8 mô hình, Sóc Sơn 9 mô hình...
Các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã góp phần tăng giá trị sản xuất, thu nhập và đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, an ninh trật tự, an toàn xã hội nông thôn ngày càng được củng cố. Đã quản lý tốt công tác phòng trừ dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi.
Đến nay, TP. Hà Nội có 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, có 255 xã (chiếm 66,06% tổng số xã trên địa bàn thành phố) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 39 xã đã được Hội đồng thẩm định bỏ phiếu đồng ý trình Chủ tịch UBND thành phố công nhận.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao
Mặc dù đạt nhiều thành tích trong công tác xây dựng nông thôn mới, song thẳng thắn nêu rõ tại Hội nghị, bà Ngô Thị Thanh Hằng cũng cho rằng, công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tuy đã được quan tâm nhưng còn hạn chế. Việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn khiêm tốn; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất cập.
Mặt khác, theo Phó bí thư Ngô Thị Thanh Hằng, thành phố chưa xây dựng được nhiều cơ sở giết mổ tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm. Hiện nay chủ yếu là giết mổ nhỏ lẻ gây khó khăn cho việc thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm cũng như vệ sinh môi trường nông thôn.
“Chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp chưa thực sự thu hút được các hộ, các doanh nghiệp đầu tư, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm; đầu ra sản phẩm nông nghiệp còn thiếu tính bền vững", bà Hằng nói.
Do đó, để hoàn thành mục tiêu Chương trình năm 2018 của Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy, Phó Bí thư Ngô Thị Thanh Hằng cũng yêu cầu các ban, ngành chức năng và các đơn vị cơ sở cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu. Đặc biệt chú trọng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong đó, chú trọng hình thành các chuỗi liên kết, các nhãn mác, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển mạnh các hình thức hợp tác, liên kết giữa hộ gia đình với các tổ chức tín dụng, tổ chức khoa học, công nghệ và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị.
“Đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018, Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã chỉ đạo các xã tập trung quyết liệt xây dựng và hoàn thiện những tiêu chí còn chưa đạt, phấn đấu năm 2018 có thêm tối thiểu 26 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới”, bà Hằng yêu cầu.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục tăng cường và đa dạng hóa công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận thống nhất cao trong nhân dân. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội tiếp tục tuyên truyền vận động hội viên, đoàn viên tích cực tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới; các quận tiếp tục nghiên cứu quan tâm, hỗ trợ các huyện ngoại thành xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt là công tác xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch duy trì, nâng chất các tiêu chí nông thôn mới ở các huyện và các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Tập trung triển khai xây dựng đề án quy hoạch xã nông thôn mới điển hình tiên tiến tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh và xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ đảm bảo đạt yêu cầu và đúng tiến độ làm cơ sở để nhân rộng trên địa bàn toàn thành phố trong những năm tới./.
Từ năm 2016 đến nay, toàn bộ 12 quận thuộc thành phố đều đã hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí là 284,9 tỷ đồng, tăng 50,9 tỷ đồng so với cuối năm 2017. Đời sống nông dân được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2017 đạt 38 triệu đồng/năm. Trong số đó một số địa phương có thu nhập cao như: Thạch Thất 52 triệu đồng/người/năm, Đông Anh 47 triệu đồng/người năm, Hoài Đức 42,5 triệu đồng/người/năm, Gia Lâm 41,2 triệu đồng/người/năm...; đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sỹ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn thành phố đạt 86,06%. Trên 91% số hộ gia đình có vô tuyến truyền hình; 100% số xã có máy tính kết nối internet; hầu hết các hộ có điện thoại. |