Ngày 21/9, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức giải pháp phát triển chăn nuôi ổn định, hiệu quả và bền vững.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP hiện có hơn 24.000 con trâu, hơn 137.000 con bò, 1,6 triệu con lợn, gần 30 triệu con gia cầm. Trong những năm qua, Hà Nội là một trong những tỉnh, TP đi đầu về chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, tạo tiền đề quan trọng để tổ chức liên kết chăn nuôi theo chuỗi và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đến nay, toàn TP đã hình thành 15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn trọng điểm và 29 xã chăn nuôi gia cầm trọng điểm. Hàng năm các vùng, xã chăn nuôi trọng điểm cung cấp cho thị trường 160.000 tấn thịt hơi, 610 triệu quả trứng,870.000 con lợn giống, 35 triệu con gia cầm thủy cẩm giống chất lượng tốt.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng phát biểu tại Hội nghị. |
Ông Tạ Văn Tường – Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, hiện nay nhiều người tiêu dùng đã có thói quen mua thịt mát, thịt cấp đông về ăn dần nhưng chỉ thiếu DN đầu mối. Toàn TP đã xây dựng được 23 chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ sản phẩm và 5 chuỗi được cấp nhãn hiệu tập thể. Trong đó có những chuỗi đã được thử thách qua nhiều lần thị trường bấp bênh, sản phẩm vẫn giữ được giá bán ổn định. Theo ông Tường, hiện nay phương thức tổ chức sản xuất truyền thống cần phải thay đổi theo hướng liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ cao.
Về định hướng thời gian tới, Hà Nội tiếp tục phát triển chăn nuôi gắn với quy hoạch, đi sâu vào chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư và liên kết chuỗi. Trong đó tập trung phát triển chăn nuôi con giống chất lượng cao, lai tạo giống bản địa, ứng dụng công nghệ cao kể cả quy mô vừa và nhỏ.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng khẳng định, trong những năm qua, Hà Nội có nhiều chính sách hỗ trợ chăn nuôi nhưng ngành chăn nuôi vẫn còn ở quy mô nhỏ lẻ là chủ yếu, chưa theo quy hoạch, phát triển tự phát. Do đó, hội thảo nhằm lắng nghe các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, địa phương, DN và hộ chăn nuôi để phát triển ngành chăn nuôi Thủ đô theo hướng bền vững thời gian tới.
Theo đánh giá của các chuyên gia, chăn nuôi công nghệ cao là xu thế tất yếu, trên thực tế đang diễn ra sôi động trên thế giới. Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho DN, đa dạng hóa sản phẩm, tạo công ăn việc làm, đảm bảo các lợi ích kinh tế cho các bên liên quan và vệ sinh ATTP. Đồng thời tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trong nước với sản phẩm nhập khẩu.
Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Hoàng Thanh Vân nhận định, với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, ngành chăn nuôi Hà Nội có vai trò rất lớn đối với ngành chăn nuôi cả nước. Theo ông Vân, ứng dụng công nghệ cao được coi là chìa khóa để phát triển chăn nuôi bền vững trong bối cảnh hiện nay, bởi không chỉ góp phần tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm mà còn đảm bảo ATTP. Do đó, Hà Nội cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi trên cơ sở bám sát quy hoạch chăn nuôi gắn với thị trường. Đồng thời có chính sách thu hút DN đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, hình thành các chuỗi liên kết, nhất là chính sách ưu đãi về vốn, đất đai. Cùng với đó, tăng cường liên kết với các tỉnh, TP và các tổ chức quốc tế để trao đổi, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi.
Tác giả: Thiên Tú/kinhtedothi.vn