Năm 2018, nông nghiệp công nghệ cao hứa hẹn bứt phá
Với kết quả này, năm 2018 được kỳ vọng sẽ tiếp tục là năm gặt hái nhiều thành công của nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nội, đưa Hà Nội trở thành một trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả nước.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình trồng rau thủy canh tại huyện Thanh Trì
Theo kế hoạch, TP. Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 đưa tỉ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Trong đó việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có vai trò rất quan trọng. Mấy năm qua, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn luôn là nỗi trăn trở của các lãnh đạo Thành phố Hà Nội bởi kết quả đạt được chưa như kỳ vọng nhưng năm 2017 đã cho thấy một diện mạo hoàn toàn khác. Liên tục các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được hoàn thành và đưa vào hoạt động trên địa bàn Hà Nội.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, năm 2017, toàn Thành phố có 105 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó các địa phương có nhiều mô hình như: Mê Linh 17 mô hình, Thường Tín 14 mô hình, Gia Lâm 13 mô hình, Thanh Oai có 9 mô hình, Phúc Thọ có 8 mô hình, Đông Anh có 8 mô hình... Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay tuy quy mô còn nhỏ, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay.
Tại Hội nghị tổng kết việc thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về xây dựng nông thôn mới năm 2017 mới đây, Phó Bí thư Thường trực thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, từ đầu năm toàn thành phố đã kiên trì mục tiêu xây dựng bằng được các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bởi thế nên Hà Nội đã có một năm rất thành công trong việc xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Về kết quả thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt, tại các vùng trồng rau đã có 119ha nhà lưới; 15ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm; có 5 nhà sơ chế rau với tổng diện tích 458m2. Trong canh tác hoa, hiện nay Hà Nội có khoảng 110ha, bước đầu ứng dụng công nghệ cao ở một số khâu với quy mô nhỏ. Tổng diện tích nhà màng, nhà lưới của các vùng hoa hiện nay có 68,3ha, trong đó có 0,1ha bước đầu ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm.
Có 924,5ha sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao (chiếm 6,2% tổng diện tích cây ăn quả toàn thành phố Hà Nội); trong đó 634 ha ứng dụng giống chất lượng cao; 372 ha chuối ứng dụng hai tiêu chí sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (giống nuôi cấy mô và bao buồng). Cây chè có 306,5ha (chiếm 10,2%) diện tích sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao, trong đó 30ha ứng dụng đồng bộ công nghệ cao.
Trong chăn nuôi, Hà Nội đã nhập các giống gà, lợn từ nước ngoài để cải thiện chất lượng đàn giống trong nước như: Gà D300 của Cộng hòa Séc; lợn đực các giống Landrace, Yorkshire... từ Đan Mạch; lợn nái ngoại Landrace, Yorshire... từ Thái Lan, Canada... Công tác sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo nhân giống đối với đàn bò đạt 100% với đàn bò sữa và 61% đối với đàn bò thịt, đối với đàn lợn đạt 79%. Công tác thụ tinh nhân tạo ở gà đang bắt đầu thử nghiệm, triển khai thực hiện ở 5 cơ sở.
Đối với chăn nuôi lợn và gà sử dụng hệ thống chuồng kín đạt 30% số trại chăn nuôi quy mô lớn. Đối với chăn nuôi bò sữa sử dụng hệ thống làm mát đạt trên 80%, bò thịt đạt trên 50%, 75% số trại bò sữa, 44% số trại chăn nuôi bò thịt. 44% số trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ngoài khu dân cư đã sử dụng hầm Biogas; 65% số trại chăn nuôi bò sữa; 28% số trại chăn nuôi bò thịt; 29% số trại chăn nuôi lợn và 34% số trại chăn nuôi gà sử dụng chế phẩm xử lý môi trường trong chăn nuôi. Riêng đối với chăn nuôi lợn đã có hai trại chăn nuôi quy mô lớn sử dụng biện pháp xử lý môi trường theo cơ chế phát triển sạch.
Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi trồng được coi là công nghệ sinh học theo hướng mới cũng đã được triển khai trên địa bàn Hà Nội.
Năm 2018, ngành nông nghiệp Thủ đô đặt mục tiêu tập trung đưa ứng dụng khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như chương trình nông nghiệp công nghệ cao trong phát triển sản xuất rau, hoa, cây ăn quả, sản xuất chè, phát triển chăn nuôi, thủy sản... Tăng trưởng sản xuất nông nghiệp từ 2,0-2,5%.
Giống cây mới được “nhiệt đới hoá” hợp khí hậu Thủ đô
Chiều 20/1, phát biểu tại buổi tổng kết của Công ty TNHH MTV công viên cây xanh Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị công ty tiếp tục đẩy nhanh chương trình trồng một triệu cây xanh (giai đoạn 2016-2020) và nghiên cứu, ứng dụng khoa học tạo ra các giống cây, hoa mới.
Theo Chủ tịch Hà Nội, chương trình trồng một triệu cây xanh đang thu được nhiều thành công, được người dân hưởng ứng, các tổ chức quốc tế ủng hộ. Nhưng ông Chung cho rằng, việc trồng cây mới chỉ được triển khai sâu rộng ở đường phố mới và trồng bổ sung trên các phố cũ. Kế hoạch trồng cây xanh tại hơn 2.600 trường học và các cơ quan vẫn chưa được triển khai.
Người đứng đầu chính quyền Hà Nội thông tin, chương trình trồng cây xanh của Singapore được bắt đầu từ những năm 1980 và đã bước sang năm thứ 38 với chi phí duy tu và trồng mới lên tới 170 triệu USD mỗi năm. Trong khi TP Hà Nội hiện chỉ chi khoảng 200 tỷ mỗi năm cho công tác duy trì và trồng mới cây xanh.
Để việc trồng, chăm sóc cây xanh chuyên nghiệp, ông Chung đề nghị công ty cây xanh tiếp tục tổ chức các đoàn đi học tập tại các nước có thành tựu về công viên cây xanh như Singapore, Trung Quốc...
Ông Chung cũng yêu cầu xây dựng vườm ươm làm kho dự trữ giống hoa, cây xanh để phù hợp với từng tuyến phố; trên một tuyến phố thường xuyên đặt hoa để phục vụ du khách; giao công ty tham gia Hiệp hội cây xanh thế giới để trao đổi, tiếp thu kỹ thuật mới, giống cây mới.
"Nghiên cứu ứng dụng các giống cây mới ở khu vực và trên thế giới, đưa về "nhiệt đới hoá" đi để đảm bảo phù hợp với thời tiết, khí hậu của Hà Nội", Chủ tịch Hà Nội nói.
Du lịch Hà Nội thành công nhờ sức mạnh tổng hợp
Năm 2017, ngành du lịch Thủ đô đã phục vụ 23,83 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế (khách quốc tế có lưu trú đạt hơn 3,5 triệu lượt, tăng 22%); tổng thu đạt 71.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2016. Đạt được thành công đó là nhờ những năm gần đây TP Hà Nội luôn quan tâm đầu tư cũng như tạo điều kiện để phát triển ngành công nghiệp không khói. Đặc biệt, từ khi Sở Du lịch Hà Nội được thành lập (tháng 9/2015), ngành kinh tế xanh đã có những bước đột phá trong quảng bá, xúc tiến, xây dựng sản phẩm mới, đầu tư hạ tầng du lịch... nhằm sớm đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu và sức cạnh tranh.
Bên cạnh những tour, tuyến, điểm đến du lịch đã có, TP đang triển khai hàng loạt sản phẩm mới hứa hẹn nhiều hấp dẫn như: Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi Kim Quy đạt tiêu chuẩn quốc tế; Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia; quy hoạch trục Nội Bài - Nhật Tân với Khu công viên, vui chơi giải trí, hồ điều hòa; Khu công viên thể thao thuộc dự án Khu Du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu; dự án bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế; đầu tư xây dựng 20 khách sạn cao cấp 4 - 5 sao...
Cùng với đó, TP đang triển khai chương trình trồng 1 triệu cây xanh, chỉnh trang đô thị, tạo cảnh quan sạch đẹp, đồng bộ một số tuyến phố văn minh xanh, sạch, đẹp; duy trì tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, lùi “giờ giới nghiêm” các ngày cuối tuần trên địa bàn quận Hoàn Kiếm; hoạt động phố Sách Hà Nội, Tháng khuyến mại du lịch... để thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, năm 2017, Sở Du lịch đã liên kết với những “mắt xích” quan trọng của ngành gồm điểm đến, DN du lịch, hàng không và báo giới để tạo sức mạnh tổng hợp. Nhờ đó, hàng loạt sản phẩm đặc trưng, độc đáo, riêng có của du lịch Hà Nội đã ra đời như: “Tuyến Hop on Hop off”, “Tuyến du lịch vàng” của Hanoitourist; tour du lịch đi bộ miễn phí khám phá phố cổ Hà Nội và khu vực xung quanh Hồ Gươm của Công ty Du lịch Vienamtourism – Hà Nội; 5 chương trình tour tham quan miễn phí kết hợp đi bộ dành cho du khách quốc tế và khách ngoại của Công ty Vietravel Hà Nội; tour “Cảm xúc Hà Nội” của một số công ty lữ hành Hà Nội; Hành trình qua các kinh đô Việt cổ do Sở Du lịch phối hợp với 4 tỉnh, TP khác xây dựng…
Ba điểm trông xe khu vực Hồ Gươm bị xử phạt hơn 60 triệu đồng
Công an quận Hoàn Kiếm vừa cho biết, sáng nay (19/1), tổ công tác Đội Cánh sát TTPUN Công an quận Hoàn Kiếm do trung tá Dương Bảo Thạch làm tổ trưởng đã kiểm tra, xử phạt 3 điểm đỗ xe vi phạm, với mức phạt trên 62 triệu đồng.
Cụ thể, tại phố Lê Phụng Hiểu, tổ công tác phát hiện bãi xe tận dụng vườn hoa Con Cóc và dưới lòng đường gần khách sạn Metropole để xe máy và ô tô vi phạm lỗi trông quá diện tích quy định... tổ công tác đã lập 2 biên bản xử phạt Công ty TNHH một thành viên khai thác điểm đỗ xe Hà Nội và cá nhân là một số bảo vệ tự ý trông giữ xe máy trên vỉa hè vườn hoa.
Tại vườn hoa Lê Thái Tổ đối diện ngân hàng Nhà nước, tổ công tác cũng lập biên bản bãi trông giữ xe của Công ty TNHH một thành viên khai thác điểm đỗ Hà Nội với lỗi trông giữ phương tiện quá diện tích quy định... với mức phạt lên đến hơn 20 triệu đồng.
Theo thượng tá Bùi Văn Đang, tiếp tục thực hiện kết quả xử lý 64 điểm trông giữ xe vi phạm pháp luật trong một tháng qua trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, các tổ công tác của Công an quận phối hợp với các phường trên địa bàn thường xuyên tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện những vi phạm để chấn chỉnh, xử lý nghiêm.
Hà Nội thực hiện quy định về môi trường giáo dục an toàn
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Kế hoạch số 14/KH-UBND thực hiện quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
Kế hoạch nhằm tăng cường các điều kiện về vật chất và tinh thần trong từng cơ sở giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người học có lối sống lành mạnh, ứng xử văn hóa; người học được tôn trọng, đối xử công bằng, bình đẳng và nhân ái; được phát huy dân chủ và tạo điều kiện để phát triển phẩm chất và năng lực.
Kế hoạch đặt ra 5 nhiệm vụ cụ thể, bao gồm: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục trong nhà trường; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên, cộng tác viên; tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội; tăng cường cơ sở vật chất và bảo đảm thiết chế tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong trường học.
Theo đó, các đơn vị có trách nhiệm rà soát lại việc bố trí, sử dụng sân chơi, các công trình văn hóa, thể thao cho học sinh trong nhà trường và tại địa phương; phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở hiện có; xã hội hóa nguồn lực để nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh; xây dựng cơ chế phối hợp nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao trong và ngoài nhà trường.
Về cách thức đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục trong nhà trường, kế hoạch nêu rõ những yêu cầu cụ thể đối với từng cấp học. Đối với bậc mầm non, thực hiện tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ để hình thành và phát triển ý thức, hành vi, thói quen tốt, phù hợp độ tuổi.
Cấp học phổ thông thực hiện nội dung dạy học các môn đạo đức, giáo dục công dân trong chương trình, sách giáo khoa hiện hành trên cơ sở rà soát, tinh giản những nội dung khó, trùng lặp, chưa thực sự cần thiết đối với học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; lựa chọn những nội dung giáo dục phù hợp đặc điểm tâm sinh lý, tình cảm và sự phát triển của học sinh, của xã hội và thời đại; giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, kỹ năng sống và giá trị sống đúng đắn.
Giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp chú trọng bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, truyền thống, lòng tự hào dân tộc; tăng cường giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật; trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước.
Vân Nhi (tổng hợp)/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn