Nhiều hỗ trợ cho nông dân sau học nghề
Ông Nguyễn Tiến Anh – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân - Hội ND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Trong 10 năm thực hiện chương trình đào tạo nghề theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng khẳng định rằng những kết quả của trung tâm đạt được khá toàn diện và rõ nét. Các chỉ tiêu đề ra hàng năm đều được thực hiện đạt và vượt kế hoạch. Hiệu quả tác động của công tác dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho hội viên rất rõ và được các cấp ngành ghi nhận đánh giá cao.
Lão nông Lê Viết Hưng (thứ 2 từ phải) ở xã Kỳ Lâm, huyện Kỳ Anh giới thiệu mô hình chăn nuôi lợn liên kết của gia đình. Ảnh: Thu Hà
"Điều đặc biệt là chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Hà Tĩnh là gắn với việc xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã và dịch vụ hỗ trợ vay vốn, liên kết với doanh nghiệp. Đây chính là “bàn đạp” để nông dân làm giàu dựa trên thế mạnh vùng miền”. Ông Bùi Nhân Sâm - |
Cụ thể: Về hoạt động tuyên truyền tư vấn, trong 10 năm qua, trung tâm đã trực tiếp tổ chức hơn 1.000 cuộc cho hơn 10.000 lượt hội viên, nông dân về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các địa phương. Trung tâm cũng đã trực tiếp tổ chức 234 lớp đào tạo nghề cho 7.466 lao động nông thôn với 100% là các nghề thuộc nhóm nghề phi nông nghiệp; tổ chức gần 1.000 cuộc tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 10.000 lượt người.
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn hỗ trợ về vốn, cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp và khoa học kỹ thuật giúp bà con nông dân phát triển sản xuất. Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp Hội quản lý đạt trên 25 tỷ đồng. Nguồn vốn quỹ giúp 845 hộ vay thực hiện 107 dự án chăn nuôi bò, lợn, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả. Nguồn vốn đã phát huy hiệu quả tạo điều kiện cho các hộ nông dân mở rộng sảnxuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, mỗi năm, trung tâm đã kết nối với các doanh nghiệp cung ứng trên 40.000 cây, con giống; trên 3.000 tấn phân bón trả chậm phục vụ sản xuất sau học nghề.
Giúp nông dân liên kết với doanh nghiệp
Đáng chú ý, Hội ND còn hỗ trợ nông dân sau học nghề thành lập các tổ, nhóm sản xuất, hợp tác xã. Hiện nay, có 2.017 mô hình kinh tế tập thể do Hội trực tiếp hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả. Sau học nghề có 45 tổ hợp tác, 50 hợp tác xã được Hội đứng ra kết nối với doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi (hỗ trợ đầu vào, bao tiêu đầu ra).
Thành công của công tác đào tạo nghề lao động nông thôn Hà Tĩnh đã cho ra đời hàng trăm mô hình sản xuất cho doanh thu từ trăm triệu đến cả tỷ đồng. Đó là những vườn cam, bưởi thâm canh trĩu quả, những trang trại liên kết tiềm năng, mô hình nuôi trồng thủy sản bạc tỷ…
Điển hình như mô hình trang trại tổng hợp của lão nông Lê Viết Hưng (ở xã Kỳ Lâm, huyện Kỳ Anh). Hiện trang trại của ông Hưng liên kết với Công ty CP Chăn nuôi lợn với quy mô 1.200 lợn thịt/lứa (2 lứa/năm).
Ngoài việc phát triển nuôi lợn gia công, ông Hưng còn phát triển diện tích trồng rừng và các loại mô hình khác như trồng rau sạch, đào ao thả cá, nuôi 40 con lợn rừng… Với các mô hình này, mỗi năm gia đình ông Hưng có doanh thu cả tỷ đồng, thu nhập sau trừ chi phí đạt 300-400 triệu đồng. Ông Hưng chia sẻ: “Nhờ được đào tạo nghề, những người nông dân chân đất như tôi đã biết quy hoạch vùng sản xuất bài bản, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt và biết hạch toán các chi phí để nâng cao thu nhập”.
Hay mô hình trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Mạnh Bá (ở xóm Hương Tân, xã Đức Hương, huyện Vũ Quang) với hơn 900 gốc cây ăn quả có múi, trên 500 con gà, hàng trăm con chim bồ câu và hàng chục con lợn/lứa. Doanh thu mỗi năm của gia đình ông từ việc nuôi trồng đạt trên 800 triệu đồng, lợi nhuận bằng 1/3. Quyết tâm làm giàu dần hiện hữu khi ông biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất. Trồng cây gì, nuôi con gì, kỹ thuật chăm sóc ra sao, cách phòng chữa bệnh thế nào, rồi làm gì để bảo quản sản phẩm sau thu hoạch… là những điều ông Bá học được từ các lớp đào tạo nghề do địa phương tổ chức.
Ông Bùi Nhân Sâm – Chủ tịch Hội ND Hà Tĩnh khẳng định: “Với nhiều hình thức đào tạo (ngắn hạn, dài hạn, tập huấn bồi dưỡng, nông dân dạy nông dân) và địa điểm đào tạo linh hoạt (địa bàn dân cư, các tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại, gia trại) đã giúp nông dân nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm. Ngoài ra, các lớp đào tạo nghề còn trang bị cho nông dân nhiều kiến thức bổ trợ như: Lập kế hoạch sản xuất, khả năng thương thảo hợp đồng, hạch toán kinh tế… Từ đây, doanh nghiệp dần tin tưởng, bắt tay hợp tác với nông dân”.
Theo Thu Hà/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn