Than Uyên coi trọng công tác tuyên truyền
Theo thống kê sơ bộ, đến nay, trên địa bàn huyện Than Uyên mới có 1 xã đạt 7 tiêu chí NTM là Mường Than; các xã Phúc Than, Mường Cang, Hua Nà đạt từ 4 - 6 tiêu chí; các xã còn lại chỉ đạt 1 - 3 tiêu chí. Thực tế này cho thấy, chặng đường XDNTM ở Than Uyên còn nhiều khó khăn.
Để hóa giải thách thức, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, UBND huyện đã tổ chức 146 buổi tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước gắn với XDNTM, 12.579 người tham gia; đào tạo, tập huấn cho 14 đồng chí trong ban chỉ đạo huyện, xã; tổ chức 1 lớp tập huấn tại huyện cho 80 đồng chí là trưởng, phó trưởng ban chỉ đạo, ban quản lý, các thành viên, trưởng bản các xã. Đến nay, 11/11 xã đã được UBND huyện phê duyệt quy hoạch chung và đề án XDNTM.
Từ nhu cầu thực tiễn, Than Uyên đã dành nhiều ưu tiên cho công tác đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng. Theo đó, năm 2011, huyện đầu tư cứng hóa 82km đường giao thông các loại, tổng kinh phí 128.783 triệu đồng; năm 2012 là 38km với kinh phí 73.738 triệu đồng. Đã cứng hóa 181/276,4km kênh mương, đạt 65,6%, trong đó riêng năm 2012 xây dựng 26km kênh mương bê-tông, kinh phí 20.078 triệu đồng.
Trong năm qua, huyện đã đầu tư xây dựng trạm biến áp, cột, kéo đường dây cung cấp điện cho 38 hộ tại bản Huổi Hằm với tổng kinh phí 4.052 triệu đồng. Hiện, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện an toàn đạt 68%. Trên địa bàn huyện có 830 phòng học, trong đó kiên cố và bán kiên cố 589 phòng, đạt 72%.
Ngoài ra, huyện cũng tăng cường chỉ đạo các xã thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội đối với hộ nghèo, cận nghèo, hỗ trợ về giáo dục, khám - chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo điều kiện cho các hộ nghèo được tiếp cận các nguồn vốn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Chỉ đạo trung tâm dạy nghề, các tổ chức đoàn thể mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho người dân, góp phần nâng thu nhập bình quân lên 9,5 triệu đồng/người/năm.
Năm 2013, Than Uyên ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng, phấn đấu cứng hóa 100% đường trục xã; đầu tư hoàn thiện hệ thống điện các xã Mường Mít, Pha Mu, Tà Hừa đạt chuẩn theo quy định; tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn đạt trên 80%. Quản lý và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất các nhà trường, nâng tỷ lệ cứng hóa cơ sở vật chất các nhà trường đạt 60%. Thực hiện tốt công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, vận động nhân dân phát triển sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, phấn đấu thu nhập bình quân đạt 10,5 triệu đồng/người; xóa 151 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 25%. Đến hết năm 2013, xã điểm Mường Than đạt 11 tiêu chí; Mường Mít đạt 6 tiêu chí.
Tân Uyên chú trọng phát triển sản xuất
Từ khi triển khai XDNTM, huyện Tân Uyên đã tập trung mọi nguồn lực cho chương trình. Sau 2 năm thực hiện, huyện đã đạt được 5 tiêu chí (quy hoạch chung, giáo dục, y tế, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và cơ cấu lao động).
Ngay sau khi có chủ trương, UBND huyện đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện chương trình XDNTM đến các cấp, ngành và tăng cường công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp bà con hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình, để từ đó hăng hái hiến đất, đóng góp tiền, công sức tham gia thực hiện.
Huyện cũng đã hoàn thành đề án quy hoạch NTM từ tháng 12/2012 và chọn Phúc Khoa làm xã điểm thực hiện.
Trong 2 năm, huyện đã thực hiện nhựa hóa, bê-tông hóa được 86,4km đường giao thông nông thôn, cải tạo 17km đường ngõ xóm, mở mới và cứng hóa 4,7km đường trục chính nội đồng. Nâng tổng số kilômét đường giao thông liên xã được nhựa hóa, bê-tông hóa lên 95,2km; đường liên bản, nội bản được bê-tông hóa lên 43km; 100% số xã có đường giao thông đến trung tâm, trong đó 80% được nhựa hóa, bê-tông hóa theo chuẩn NTM.
Thực hiện sửa chữa, nâng cấp, xây mới 66 hạng mục công trình thủy lợi với tổng số 102,3km kênh mương. Hiện, huyện có 100 công trình thủy lợi với 213,75km kênh mương các loại, phục vụ tưới cho trên 1.360ha cây vụ đông xuân và 2.810ha cây vụ mùa. Đã có 8/9 xã đạt tiêu chí thủy lợi. Trong 2 năm, có 14 trạm biến áp được thay thế, lắp đặt mới, lắp mới 82,3km đường dây tải điện, nâng tổng số xã có điện lên 8/9 xã với 74% số hộ được sử dụng điện an toàn. Đã có 2 xã đạt tiêu chí về số hộ có điện. Đến nay, 9/9 xã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở, trên 95% dân số nông thôn có thẻ bảo hiểm y tế. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các xã luôn đảm bảo, 9/9 xã luôn duy trì và giữ vững tiêu chí này.
Ông Nguyễn Thanh Văn, Phó chủ tịch UBND, Phó trưởng ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM huyện Tân Uyên cho biết: “Công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân luôn được huyện quan tâm và tập trung chỉ đạo như lồng ghép các nguồn vốn ưu tiên cho phát triển sản xuất, hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Do đó, sản lượng lương thực tăng khá, năm 2012 đạt 25.511 tấn, tăng 2.945 tấn so với năm 2010. Bình quân lương thực tăng từ 480kg/người (năm 2010) lên 500kg/người (năm 2012). Tỷ lệ đói nghèo giảm từ 46,7% (năm 2011) xuống còn 28% hiện nay.
Đề án phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu chè được tích cực triển khai. Năm 2012, huyện trồng mới 61,8ha chè chất lượng cao. Năm nay trồng được 52,3ha, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Tổ chức thực hiện nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi như: trồng lúa chất lượng cao Séng Cù, Khẩu Ký; nuôi gà thả vườn, lợn rừng,...
Huyện đã có chính sách kêu gọi, thu hút nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trồng rừng; thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn như Chương trình 30a, 135, 134... Tổng nguồn vốn huy động được trong 2 năm là 288.768 triệu đồng, trong đó, ngân sách Trung ương từ chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM là 1.500 triệu đồng. Ngân sách Trung ương từ các chương trình lồng ghép khác 154.387 triệu đồng, ngân sách tỉnh 5.584 triệu đồng, ngân sách huyện 1.788 triệu đồng, các tổ chức doanh nghiệp đóng góp 57.722 triệu đồng, nhân dân đóng góp 67.787 triệu đồng.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền và phát động phong trào sâu rộng tới quần chúng nhân dân. Ưu tiên các nguồn lực đầu tư vào xã điểm để thực hiện các tiêu chí hạ tầng nông thôn. Tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ phát triển sản xuất, thâm canh tăng vụ theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xóa đói, giảm nghèo; vận động nhân dân vệ sinh thôn bản, chỉnh trang nhà cửa, xây dựng nếp sống văn minh gắn với xây dựng bản làng văn hóa…”, ông Văn nói.
Kim Anh - Trung Hiếu
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn