Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Bình Phước, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu, đã cùng với Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi đi thị sát trại nuôi gà lạnh Thùy Thảo thuộc tập đoàn Hùng Nhơn, tại xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thị sát dự án chăn nuôi lớn ở tỉnh Bình Phước. |
Báo cáo với Đoàn công tác Bộ trưởng, ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc tập đoàn Hùng Nhơn cho biết: Tập đoàn hiện có hơn 130ha trang trại chăn nuôi khép kín theo tiêu chuẩn GlobalGAP, trong đó có 20 trang trại gà thịt cung cấp cho thị trường hơn 3 triệu con gà, áp dụng theo công nghệ tiên tiến của tập đoàn Big Dutchman (CHLB Đức).
Tất cả các công đoạn chăn nuôi đều tự động hóa, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tạo ra nguồn nông sản sạch cho thị trường, hướng tới việc thành lập vùng an toàn dịch bệnh. Tập đoàn có 8 trang trại gà đẻ cung cấp hơn 130 triệu quả trứng, 48 trang trại nuôi heo sạch, cung cấp 9.600 heo nái và 250.000 heo giống/năm. Ngoài ra, Tập đoàn còn xây dựng nhà máy sản xuất phân bón đạt công suất 40.000 tấn/năm...
Hiện tập đoàn Hùng Nhơn đang sản xuất theo hình thức liên kết chuỗi khép kín từ khâu chọn lọc, sản xuất heo giống, gà giống; giết mổ heo, sản xuất thức ăn chăn nuôi theo hướng hữu cơ, sản xuất phân bón hữu cơ, thương mại sản phẩm chăn nuôi có chất lượng hàng đầu Việt Nam và hướng tới xuất khẩu ra khu vực Đông Nam Á.
“Trước tình hình dịch bệnh heo đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là bệnh dịch tả heo Châu Phi (ASF) gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi; đồng thời nhu cầu về giống di truyền khỏe, sạch bệnh luôn tăng cao để phục vụ tái đàn, Tập đoàn Hùng Nhơn và De Heus đã liên kết đầu tư xây dựng dự án: Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN tại tỉnh Đăk Lăk, trên diện tích 200ha. Trung tâm giống của chúng tôi có quy mô 2.400 heo giống cụ kỵ và 24.000 con heo giống được chọn lọc nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan về, tổng vốn đầu tư 66 triệu USD”, ông Vũ Mạnh Hùng nói.
Tập đoàn Hùng Nhơn đang tiếp tục mở rộng đầu tư xây mới hệ thống chuồng trại chăn nuôi. |
Quy trình chăn nuôi tại trung tâm sẽ được áp dụng công nghệ 4.0 xuyên suốt, giúp kiểm soát tốt chất lượng chăn nuôi trong toàn Trung tâm, tối ưu hóa hiệu suất chăn nuôi và kết quả kinh tế. Đồng thời, Trung tâm cũng tạo cơ hội việc làm cho hàng trăm lao động người dân tộc thiểu số tại tỉnh Đăk Lăk và đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn sâu về ngành chăn nuôi.
Cũng theo ông Hùng, dự kiến trong giai đoạn (2019 - 2022), tại Bình Phước, Tập đoàn Hùng Nhơn cũng sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư xây dựng mới hệ thống chuồng trại nâng tổng sản lượng đàn gà đẻ lên 700 ngàn con, sản lượng trứng sẽ đạt gấp đôi so với hiện tại (260 triệu quả/năm), gà thịt cũng tăng sản lượng lên gấp đôi (khoảng 6 triệu con).
Cùng ngày, Bộ trưởng cũng đã làm việc với tập đoàn CP. Đại diện CP đã báo cáo tóm tắt dự án xuất khẩu CPV Food 1 triệu con gà/tuần, dự án tại huyện Chơn Thành, Bình Phước.
Cty CP xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tầm cỡ thế giới. |
Phó Tổng Giám đốc CP Vũ Anh Tuấn tự hào khẳng định: “Đây là một trong những dự án lớn nhất của CP, trong đó sẽ hình thành 1 nhà máy thức ăn chăn nuôi có quy mô tầm cỡ thế giới, giai đoạn 1 công suất sẽ đạt 0,3 triệu tấn/năm. Tổng vốn đầu tư của dự án giai đoạn 1 là 230 triệu USD. Chúng tôi sẽ xuất khẩu các sản phẩm thịt gà đã qua chế biến sang thị trường Nhật, châu Âu, châu Á, Trung Đông và toàn cầu với mục tiêu trở thành “Nhà bếp của thế giới”.
Theo ông Tuấn, Dự án cũng sẽ hình thành 5 trại gà giống bố mẹ, công suất 0,5 triệu con; 1 nhà máy ấp trứng công suất 53,6 triệu con/năm; 21 trại gà thịt công suất 52 triệu con/năm; 1 nhà máy giết mổ chế biến quy mô thịt gà 116 ngàn tấn/năm, thịt gà chế biến 36 ngàn tấn/năm; bột lông vũ 2.100 tấn/năm.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi thông tin cụ thể tình hình sản xuất các mặt hàng, cây trồng chủ lực của tỉnh; hoạt động chăn nuôi; chương trình nông thôn mới, kết quả thực hiện kế hoạch làm 1.000km đường bê tông giao thông nông thôn; xóa 1.000 hộ nghèo; đặc biệt đối với dự án chăn nuôi, tỉnh cũng đã tiến hành quy hoạch theo hướng an toàn sinh học để đủ chuẩn xuất khẩu được; đồng thời đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ Bình Phước tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của tỉnh.
Trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao tỉnh Bình Phước đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực chăn nuôi CNC và an toàn sinh học. Bộ trưởng ghi nhận những đóng góp của hai doanh nghiệp Hùng Nhơn và CP cho sự phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh Bình Phước cũng như ngành chăn nuôi cả nước; đồng thời đã đưa nông sản Việt Nam đến toàn cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi. |
Bộ trưởng cũng lưu ý tỉnh Bình Phước nên phát triển mạnh nông nghiệp ven đô gắn với phát triển du lịch; đồng thời, tỉnh phát triển cây con cần phải đi theo hướng công nghệ cao và an toàn sinh học, kêu gọi thêm các doanh nghiệp cùng tham gia, không chỉ là chất lượng cao mà còn sản xuất theo chuỗi giá trị. Để xuất khẩu sang châu Âu cũng như các nước phát triển, cần đặc biệt lưu ý vấn đề môi trường. Các nhà nhập khẩu sẽ đến kiểm tra thực tế, trong đó phải có nhà máy chế biến phân bón hữu cơ từ các trại chăn nuôi, nếu thiếu không xuất khẩu được.
Bình Phước có thuận lợi lớn liền kề với thị trường 12 triệu dân TP Hồ Chí Minh. Nếu bám sát thị trường tiêu thụ rất lớn này, các mặt hàng từ chuyển đổi cây trồng vật nuôi sẽ không thiếu đầu ra. "Cần có chiến lược đưa Bình Phước trở thành trung tâm chăn nuôi của vùng, là một trong những trung tâm chăn nuôi trọng điểm của cả nước", Bộ trưởng nhấn mạnh.
“Đây chính là hai dự án trọng điểm và là hai “quả đấm thép” trong tái cơ cấu sản xuất nông nghệp theo hướng hiện đại, tầm cỡ. Chúng tôi tin tỉnh Bình Phước có đủ cơ sở để hình thành một Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả vùng; phát triển chăn nuôi áp dụng công nghệ cao và phải trở thành mô hình mẫu mực của ngành chăn nuôi”. (Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường) |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn