Saemaul Undong còn gọi là phong trào làng mới được chính phủ Hàn Quốc đưa ra và năm 1970 để phát triển khu vực nông thôn, thu hẹp khoảng cách nông thôn và đô thị, hướng đến sự ổn định và phát triển xã hội. Từ năm 2014, Việt Nam là một trong những nước được Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm từ mô hình này.
Theo PGS.TS Võ Văn Sen – Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV TPHCM, mặc dù chương trình nông thôn mới ở Việt Nam diễn ra mạnh mẽ, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề như: nhận thức của ngành, các cấp ở địa phương về xây dựng nông thôn mới chưa thật sự đúng, đầy đủ về phương pháp tiếp cận mới; chưa có tiêu chí thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới; chưa có sự thống nhất trong việc xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện; thiếu lực lượng cán bộ am hiểu phương pháp tiếp cận mới và cơ chế đặc thù (nhất cơ chế đầu tư, tài chính)…; còn gặp khó khăn trong tổ chức thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng.
Thời gian qua, Trung tâm Phát triển nông thôn - Saemaul Undong tại trường ĐH KHXH&NV TPHCM đã hỗ trợ nhiều nông dân tập huấn, nâng cao năng lực trong việc hoạch định kế hoạch, mức độ khả thi của dự án để được duyệt kinh phí.
“Để chia sẻ những kinh nghiệm phát triển nông thôn theo mô hình nông thôn mới của Hàn Quốc tại Việt Nam, diễn đàn quốc tế Saemaul diễn ra trong tháng 11 tới đây là cơ hội để các nhà khoa học, nhà quản lý cũng như những người thực hiện mô hình Saemaul trên thế giới đưa ra những giải pháp hiệu quả. Đồng thời, các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam cũng chia sẻ những hiệu quả của mô hình tại các vùng nông thôn Việt Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long” – TS Sen cho hay.
Theo: Uyên Phương/tienphong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn