Ghi nhận tại các chợ nông thôn trong tỉnh cho thấy, hàng hóa sản xuất trong nước đang chiếm áp đảo, với mẫu mã đa dạng, phong phú.
Hàng Việt phong phú
Chợ Tân Long, xã Tân Long, huyện Phú Giáo được xây dựng và đi vào hoạt động năm 2012, mỗi ngày có hàng trăm lượt người trong và ngoài xã đến mua bán. Các mặt hàng bày bán ở đây khá phong phú, đáp ứng được phần lớn nhu cầu của người tiêu dùng. Đối với mặt hàng rau, củ, quả… bán ở đây đa số do người dân địa phương làm ra; còn mặt hàng quần áo, giày dép, túi xách, đồ gia dụng… do doanh nghiệp trong nước sản xuất chiếm phần lớn. Chị Thủy, chủ một gian hàng quần áo tại chợ Tân Long cho biết, quần áo bán ở chợ chủ yếu là hàng trong nước, vì mẫu mã khá đẹp mà giá bán lại phù hợp với túi tiền nên được nhiều người dân ưa chuộng.
Người dân mua sắm tại chợ Tân Long, huyện Phú Giáo. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Tại các chợ nông thôn trong tỉnh, những thương hiệu nổi tiếng trong nước đang được người tiêu dùng ưu tiên mua sắm như các mặt hàng sữa Vinamilk, thực phẩm chế biến Vissan, nước mắm Nam Ngư, bánh kẹo Bibica… Bên cạnh đó, với những nỗ lực của các doanh nghiệp Việt, các mặt hàng trong nước có chất lượng, mẫu mã ngày càng tốt lên, trong khi giá cả phù hợp với thu nhập của người dân…
Bà Hoàng Thị Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tân Long, huyện Phú Giáo cho biết, những năm qua địa phương đã có nhiều nỗ lực thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đến nay, hầu hết người dân trong xã đều ý thức được việc ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam. Do vậy, đây chính là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Chú trọng kênh mua bán ở nông thôn
Theo các chuyên gia, để thành công trong việc chiếm lĩnh sân nhà, doanh nghiệp trong nước cần chú trọng việc tiếp cận kênh mua bán ở các chợ nông thôn, nắm bắt tâm lý cũng như nghiên cứu kỹ thị hiếu khách hàng. Bên cạnh việc sản xuất hàng chất lượng cao cũng cần chú trọng làm ra những sản phẩm phù hợp với túi tiền của người dân nông thôn.
Một trong những ưu thế của hàng Việt ở các chợ nông thôn là vấn đề giá cả. Ở khu vực nông thôn, mức sống của người dân không cao nên đòi hỏi giá cả hàng hóa ở chợ phải phù hợp. Có thể thấy, nếu như trước đây nhiều mặt hàng ở chợ nông thôn có xuất xứ từ Trung Quốc, hàng không rõ nguồn gốc thì hiện nay, phần lớn hàng hóa nhập về các chợ đều do doanh nghiệp sản xuất trong nước cung cấp, có địa chỉ, xuất xứ rõ ràng nên người tiêu dùng an tâm và ưu tiên lựa chọn mua sắm. Tuy nhiên, việc xử lý những sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ tại các chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh của ngành chức năng cũng đang gặp khó khăn nhất định. Chính vì thế, sự phối hợp vào cuộc thường xuyên, quyết liệt của các cơ quan chức năng là rất cần thiết nhằm bảo vệ hàng Việt chân chính và bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.
Hiện nay, việc đầu tư xây dựng hệ thống chợ truyền thống ở khu vực nông thôn trở thành một kênh phân phối hàng hóa quan trọng, bên cạnh hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại là điều cần thiết. Bởi thói quen của phần lớn người dân nông thôn vẫn thích mua sắm ở các chợ truyền thống.
Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từ nay đến cuối năm, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh sẽ tổ chức 6 phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại các huyện Phú Giáo, Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên và TX.Tân Uyên. Mỗi phiên chợ dự kiến sẽ có 25 - 30 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với 40 - 45 gian hàng tham gia.
Theo QUỲNH NHIÊN/baobinhduong.vn