Tại Hội nghị trực tuyến triển khai Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018 với sự tham dự của đại diện các bộ ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương diễn ra chiều 6/2 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh, 2018 sẽ là năm hành động quyết liệt về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám chủ trì Hội nghị |
Báo cáo kết quả giám sát năm 2017 được Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thuỷ sản (Nafiqad) tổng hợp cho thấy đã có sự chuyển biến đáng kể về điều kiện đảm bảo ATTP của cơ sở và chỉ số ATTP các nhóm sản phẩm chủ lực từ thức ăn chăn nuôi, phân bón, kháng sinh, chất cấm, đến thuốc BVTV.
Cụ thể, năm 2017, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Bộ Công an phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ tại lò mổ Xuyên Á, TP. Hồ Chí Minh (xử phạt hành chính 320 triệu đồng và tiêu hủy hơn 3.000 con heo); tổ chức thanh, kiểm tra 293 cơ sở, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 3,9 tỉ đồng đối với 100 cơ sở bơm chích tạp chất, sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất...
Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP đã tăng lên 97,33% (tăng so với năm 2016 là 91%); tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp được kiểm tra đạt yêu cầu đã tăng lên 93,16% (tăng so với năm 2016 là 89,9%). Kết quả phân tích trong 8.090 mẫu nước tiểu, 1.052 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ trên cả nước trong năm 2017 không phát hiện mẫu vi phạm chất cấm Salbutamol.
Đặc biệt, theo Cục trưởng Nafiqad Nguyễn Như Tiệp, kết quả kiểm tra mẫu thịt tươi vi phạm về chỉ tiêu kháng sinh năm 2017 chỉ là 0,63% (21/3341 mẫu), giảm gần 3 lần so với năm 2016 là 1,76%. Tỷ lệ mẫu thuỷ sản và sản phẩm thuỷ sản vi phạm chỉ tiêu hoá chất, kháng sinh là 0,89% (27/3.002 mẫu, giảm so với năm 2016 là 1,07%); tỷ lệ mẫu rau, củ, quả vi phạm chỉ tiêu về dư lượng thuốc BVTV là 0,6% (4/667 mẫu, giảm so với năm 2016 là 2,05%)...
Bộ NN-PTNT phấn đấu đến cuối năm 2018, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm qui định về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong các loại sản phẩm thịt, thủy sản; ô nhiễm vi sinh trong thịt, thủy sản giảm 10% so với năm 2017. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (xếp loại A, B) tăng 10% so với năm 2017.
Tăng cường quảng bá, kết nối nông sản an toàn có chứng nhận tới người tiêu dùng |
Trong năm 2018, Bộ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường năng lực thực thi pháp luật của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, huy động mạnh mẽ sự tham gia của các lực lượng sản xuất kinh doanh và nguồn lực xã hội đảm bảo hiệu lực và hiệu quả quản lý ATTP nông sản; tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp quyết liệt đảm bảo ATTP nhóm sản phẩm tươi sống, đối tượng sản xuất kinh doanh, giết mổ nhỏ lẻ; trọng tâm là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông, thủy sản.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đánh giá rất cao kết quả đạt được về ATTP trong năm qua, đặc biệt là khâu thông tin tuyên truyền đã cân bằng hơn giữa địa chỉ thực hiện tốt và những cơ sở vi phạm; Chuyển từ thanh tra theo kế hoạch sang thanh tra đột xuất; Nhiều địa phương đã xây dựng, tổ chức, quảng bá được rất nhiều mô hình theo chuỗi có truy xuất được nguồn gốc, từ đó góp phần tạo được lòng tin cho người tiêu dùng...
Trước mắt Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị các địa phương tập trung cao độ đảm bảo ATTP, an toàn dịch bệnh trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Trong đó, đẩy mạnh thanh tra đột xuất các cơ sở cung ứng thực phẩm, cơ sở giết mổ, chế biến hàng hóa tươi sống phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong tết. Song song việc thanh, kiểm tra lấy mẫu, xử phạt, cần đẩy mạnh tổ chức, quảng bá, tuyên truyền, kết nối các sản phẩm nông sản an toàn có chứng nhận, có truy xuất nguồn gốc tới tay người tiêu dùng. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn