Theo đánh giá bước đầu, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu xây dựng NTM trong năm 2016.
Hậu Giang đã đạt được nhiều thành quả trong phát triển sản xuất thời gian qua |
Theo ông Huỳnh Thành Hữu, Phó Chánh Văn phòng điều phối Xây dựng NTM tỉnh Hậu Giang, trong thời gian qua, nhờ được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng tình hưởng ứng của người dân nên Chương trình MTQG Xây dựng NTM được triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể trong năm 2016, tỉnh Hậu Giang đã công nhận thêm 4 xã đạt chuẩn NTM, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra 1 xã, nâng tổng số xã đạt chuẩn toàn tỉnh lên 17 xã (chiếm 31,48%). Các xã đều đạt từ 9 tiêu chí trở lên. Số tiêu chí đạt bình quân của toàn tỉnh là 14,4 tiêu chí/xã.
Công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân tiếp tục được quan tâm, đời sống của người dân nông thôn tiếp tục được cải thiện. Trong đó, riêng Chương trình 04/CTr-UBND của tỉnh Hậu Giang về phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM, giai đoạn 2016 – 2020 đã giành được nhiều kết quả tích cực.
Nổi bật là chương trình liên kết trong sản xuất và bao tiêu nông sản nhất là các nông sản chủ lực của tỉnh. Đã có ít nhất 8.000 ha đất trồng lúa, mía được thực hiện theo các mô hình liên kết sản xuất, áp dụng KHKT mới vào sản xuất. Bên cạnh đó, có khoảng 800 tấn cam sành, 440 tấn bưởi Năm Roi, hơn 1.300 tấn khóm Cầu Đúc, khoảng 4.000 tấn cá tra thương phẩm,... được bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra.
Qua đó, góp phần nâng thu cao nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh lên khoảng 31 triệu đồng/người/năm. Các xã đạt chuẩn NTM có thu nhập bình quân đầu người vượt mức 33 triệu/người/năm. Đây là thành tích rất đáng tự hào và có ý nghĩa then chốt bởi suy cho cùng, nâng cao thu nhập chính là cái đích cuối cùng trong xây dựng NTM.
Một điểm sáng nữa trong xây dựng NTM của tỉnh thời gian qua là địa phương đã vận dụng linh hoạt nhiều giải pháp để huy động đa dạng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Tổng nguồn lực huy động để xây dựng NTM trong năm 2016 là hơn 8.600 tỷ đồng, trong đó vốn doanh nghiệp đóng góp hơn 105 tỷ đồng, vốn dân đóng góp gần 150 tỷ đồng.
Nguồn vốn đóng góp trên đã góp phần giúp tỉnh đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp được hơn 661 km đường và xây dựng được 11.773m2 cầu; 117 trường học các cấp; 05 Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã, 21 Nhà Văn hóa - Khu thể thao ấp đạt chuẩn theo quy định...
Cần tiếp tục ứng dụng KH- CN vào sản xuất nông nghiệp, giúp người dân tăng thu nhập |
Trong năm 2016, các tiêu chí thuộc nhóm cơ sở hạ tầng gồm giao thông, thủy lợi, điện, cơ sở vật chất văn hóa, trường học, bưu điện, nhà ở dân cư... đạt chuẩn đều tăng lên rõ rệt. Qua đó, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nhu cầu sản xuất và dân sinh cơ bản được đáp ứng.
Cũng theo ông Huỳnh Thành Hữu, Chỉ thị số 10-CT/TU giống như “cú hích” tạo sự chuyển biến trên. Nhiều đảng viên đã tích cực phát huy vai trò tiên phong trong thực hiện. Sự khởi sắc còn thể hiện rõ trong sự phối hợp, hỗ trợ của các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh và các cấp địa phương khác. Đặc biệt, là sự đồng lòng, tham gia trực tiếp của người dân trong thực hiện, thể hiện được vai trò chủ thể của họ trong xây dựng NTM.
Tuy nhiên, Chỉ thị số 10-CT/TU của Tỉnh ủy ở một số cấp ủy Đảng, nhất là cấp cơ sở chưa được vận dụng thường xuyên, liên tục; thiếu kiểm tra, đôn đốc tạo sự hưởng ứng tích cực trong quần chúng nhân dân. Việc cụ thể hóa nội dung của Chỉ thị tại một số đơn vị, địa phương thiếu cụ thể, chưa sát với thực tế, hiệu quả chưa cao.
Để thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, thời gian tới, ông Huỳnh Thành Hữu cho rằng các cấp uỷ Đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU của Tỉnh ủy. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cấp dưới trong việc triển khai thực hiện để tinh thần của Chỉ thị này đi sâu không chỉ tới cấp cơ sở mà còn là toàn thể người dân. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền theo chiều rộng lẫn chiều sâu, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” là hết sức cần thiết. Các tổ chức Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Sở, Ban, ngành, các đoàn thể của tỉnh cần tiếp tục hướng dẫn và thực hiện các tiêu chí mình phụ trách. Đặc biệt, việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp có vai trò rất quan trọng. Phải ứng dụng khoa học- công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, sản lượng, giá trị gia tăng, giảm giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp để giúp người dân tăng thu nhập... |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn