Hội nghị có sự tham dự của Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Đắc Thắng, bà Luisa Bergfeld - đại diện Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo DGRV tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo Liên minh HTX một số tỉnh/thành phố, các trường đào tạo trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam, các ban trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe về thực trạng cơ sở vật chất trong hệ thống Liên minh HTX Việt Nam phục vụ hoạt động đào tạo trực tuyến cho khu vực KTHT, HTX Việt Nam; điều kiện để triển khai hình thức đào tạo trực tuyến...
Tham luận tại hội thảo, đại diện Liên minh một số tỉnh, thành phố đã có những chia sẻ về thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh, nêu rõ: Nhiều cán bộ HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã trải qua công tác quản lý HTX từ thời kỳ bao cấp nên có nhiều kinh nghiệm tốt, cách làm hay. Tuy nhiên, nhiều cán bộ dù có kinh nghiệm quản lý tốt nhưng yếu về chuyên môn nên khi điều hành HTX rất lúng túng.
Hiện, cán bộ HTX đang từng bước trẻ hóa. Tuy nhiên, chất lượng bồi dưỡng chưa cao, nội dung đào tạo chưa phong phú, một vài nội dung chưa bám sát thực tiễn, nhu cầu HTX; nhiều học viên chưa tích cực ứng dụng các kiến thức đã tiếp thu vào thực tiễn; thường xuyên thay đổi cán bộ khiến việc bồi dưỡng phải làm đi làm lại… Giám đốc Trung tâm Đào tạo HTX BWGV Đức - ông Ralph Mueller, đã có những chia sẻ thiết thực về hệ thống đào tạo HTX (tập trung vào đào tạo trực tuyến) tại Đức. Ông Ralph Mueller nhấn mạnh việc bồi dưỡng kiến thức kết hợp với thực hành trong hoạt động đào tạo của Đức đem lại hiệu quả đào tạo cao, với 50% học viên sau đào tạo được tuyển chọn và đánh giá tốt.
Học viên Đức không chỉ được đào tạo về chuyên môn mà còn cả về phương pháp luận. Việc đào tạo toàn diện, theo quy chuẩn chính là chìa khóa thành công trong việc xây dựng HTX tại Đức.
Để khắc phục những vấn đề bất cập trong hệ thống đào tạo của khu vực KTHT Việt Nam, ông Ralph Mueller đã giới thiệu về hoạt động đào tạo trực tuyến, đào tạo kết hợp và ý tưởng về hệ thống đào tạo trực tuyến quốc gia theo khung chương trình cho khu vực KTHT, HTX Việt Nam. Dự kiến thời gian thiết kế hệ thống và một vài khóa thí điểm sẽ mất 6 - 12 tháng.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Đắc Thắng cho rằng đào tạo nhân lực cho HTX là vấn đề chiến lược trước mắt và lâu dài, quyết định sự thành công cho các HTX hiện nay. KTHT, HTX là một khu vực rộng lớn, tuy nhiên, còn rất nhiều khó khăn về tiếp cận công nghệ.
“Với tác động lan tỏa công nghệ thông tin, đặc biệt được sự giúp đỡ các tổ chức Đức và những bài học đào tạo trực tuyến cho HTX Đức, chúng tôi mong rằng chương trình đào tạo trực tuyến sẽ hỗ trợ tích cực cho khu vực KTHT, HTX Việt Nam”, Phó Chủ tịch Nguyễn Đắc Thắng nhấn mạnh.
Thạo Nguyễn/thoibaokinhdoanh.vn