Tham gia mô hình là các chị em của các hộ gia đình khu vực nông thôn. Họ được hướng dẫn cách xử lý rác thải gia đình theo từng loại rác nhằm bảo vệ môi trường. Các loại rác hữu cơ như: lá cây, vỏ rau củ, rác sinh hoạt bỏ vào hố chôn để làm phân bón; rác vô cơ như túi nilon, bao bánh kẹo để đốt; các loại vỏ chai được gom lại để bán phế liệu; các loại vỏ chai bao đựng thuốc trừ sâu được để xa khu vực dân cư sinh sống... Bà Nguyễn Thị Chía, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười cho biết: ở khu vực nông thôn không có xe thu gom rác, trước đây rác thải sinh hoạt của gia đình vứt lung tung, hiện tại được hướng dẫn phân loại, xử lý cụ thể từng loại rác.
Theo Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tháp Mười, toàn huyện có hơn 1000 hộ tham gia chương trình, bên cạnh việc phân loại rác thải trong gia đình, các loại chai nhựa chai thủy tinh gom lại để bán phế liệu, số tiền thu được để tiết kiệm (nuôi heo đất), cuối năm số tiền thu được sẽ gom lại để giúp đỡ gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong tổ phụ nữ. Mô hình phân loại rác thải của hội phụ nữ ra đời đã phần nào giúp cải thiện môi trường ở nông thôn, thu hút sự hưởng ứng của nhiều hội viên. Bà Hồ Thị Thủy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tháp Mười cho biết: các chị em đều tham gia tích cực và còn hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình tham gia, tạo thói quen phân loại rác trong gia đình, thực hiện bỏ rác đúng nơi quy định, không chỉ ở nhà mà đi bất kỳ nơi đâu đều phải có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Hàng tháng, các tổ phụ nữ còn tham gia thu gom rác ở các tuyến đường, tuyến kênh rạch tại địa phương. Trong thời gian tới, chương trình sẽ được triển khai trên toàn huyện và nhân rộng chương trình ra toàn tỉnh.
Mặc dù vẫn còn khó khăn do vùng nông thôn chưa có điều kiện xử lý triệt để các loại rác vô cơ, bước đầu, cách phân loại rác và xử lý của các gia đình nông thôn đã góp phần tích cực bảo vệ môi trường sống trong lành hơn/.
Theo monre.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn