Đường liên thôn Trà Kiểm - Tân Hạnh và cánh đồng cao sản ở xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang). |
Về thôn Cẩm Toại Đông (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) hôm nay, chúng tôi thật sự ấn tượng với con đường nhựa bằng phẳng, rộng rãi, chạy giữa những vườn cây, đồng lúa xanh tươi có tên gọi: đường Cồn Mùn.
Tường rào, cổng ngõ của nhà dân hai bên đường có thiết kế cân đối, hài hòa càng tôn thêm sự khang trang, đẹp mắt. Đây là con đường làng có tên gọi đầu tiên ở vùng trung du Hòa Vang. Tên con đường này được đặt theo một địa danh đã có lâu đời và theo nguyện vọng của nhân dân trong thôn. “Người dân nơi đây rất tự hào vì ở vùng trung du mà có tên đường, có số nhà giống như ở thành phố và đang dốc lòng, dốc sức xây dựng thôn kiểu mẫu nông thôn mới”, Trưởng thôn Nguyễn Nhỏ chia sẻ.
Trong khi đó, lãnh đạo xã Hòa Phước chọn thôn Trà Kiểm xây dựng thí điểm mô hình thôn kiểu mẫu nông thôn mới, tập trung vào các công trình: trồng cây xanh hai bên đường, xây dựng cổng nhà văn hóa thôn, bê-tông hóa và mắc điện chiếu sáng đường liên tổ, đường giao thông nội đồng. Đến nay, công trình điện chiếu sáng đường giao thông nội đồng ở Trà Kiểm đã hoàn thành, trở thành con đường nội đồng đầu tiên trên địa bàn xã Hòa Phước có điện chiếu sáng...
Sau khi được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2015), Đảng bộ huyện Hòa Vang đã ra nghị quyết chuyên đề về tiếp tục phấn đấu nâng chuẩn nông thôn mới. Tiếp đó, UBND huyện ban hành 9 tiêu chí xây dựng thôn kiểu mẫu nông thôn mới (trên cơ sở 19 tiêu chí nông thôn mới của Nhà nước, nhưng các chỉ tiêu cao hơn). Ngay sau khi triển khai, toàn huyện đã có 17 thôn đăng ký xây dựng Thôn kiểu mẫu nông thôn mới. Các thôn này được huyện hỗ trợ 150 triệu đồng/thôn, cùng với nguồn lực huy động trong nhân dân để tiếp tục xây dựng, nâng chuẩn nông thôn mới.
Từ những chủ trương đó, Hòa Vang đang từng bước tạo ra bứt phá mới. Trên địa bàn huyện đã có gần 30km đường thôn, xóm có điện chiếu sáng. Các hộ chăn nuôi gia cầm thực hiện làm đệm lót sinh học để bảo đảm vệ sinh môi trường. Hàng trăm hộ khó khăn được hỗ trợ vốn, giống, vật liệu, phương tiện sản xuất.
Tại vùng hoa thôn Dương Sơn (xã Hòa Châu), ông Huỳnh Tấn Ánh, chủ một vườn cúc, vừa tưới nước, vừa hồ hởi nói: Được huyện hỗ trợ hệ thống tưới phun sương này (trị giá 20 triệu đồng), việc chăm sóc hoa trở nên thuận lợi hơn, tưới nước không tốn công sức, lượng nước tưới nhẹ, đều, không làm lở đất và cây hoa phát triển tốt. Những người trồng hoa tại đây đang đầu tư trồng thêm các loại hoa cao cấp như ly ly, đồng tiền để tăng thu nhập.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đặng Phú Hành cho biết, trên hành trình nâng chuẩn nông thôn mới, huyện Hòa Vang chủ trương mở rộng các vùng rau chuyên canh, hỗ trợ nông dân sản xuất rau ứng dụng kỹ thuật mới, phát triển nhiều giống rau chất lượng cao như măng tây, cải bó xôi, tỏi, hành, ớt ngọt, súp lơ xanh.
Tiêu biểu như mô hình trồng rau sạch ở thôn Thạch Nham Tây (xã Hòa Nhơn) rộng gần 3ha, được đầu tư đồng bộ hạ tầng (giàn sắt, giếng bơm, bể nước, nhà sơ chế, đường nội bộ...). Người nông dân nơi đây còn được hướng dẫn kỹ thuật mới, hỗ trợ vốn, giống, từ đó sản xuất đạt hiệu quả cao.
Bà Trần Thị Thủy, một hộ đang canh tác tại vùng rau Thạch Nham Tây, cho biết: Bà trồng 6 sào với nhiều loại rau, đậu ngắn ngày, riêng bí đao bán được 5,5 triệu đồng/tháng, các loại rau, đậu khác mỗi ngày bán hơn 300.000 đồng. Cùng với đó, những đồng lúa sản lượng cao, các vùng trồng hoa tập trung, các tổ hợp tác sản xuất nấm, nuôi trồng thủy sản ở Hòa Vang cũng liên tục được đầu tư mở rộng. Toàn huyện hiện có hơn 200 dự án, trong đó có nhiều dự án trọng điểm, thiết thực góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển...
“Chủ trương nâng chuẩn nông thôn mới đang từng ngày tạo nên những chuyển biến trên đồng đất Hòa Vang giúp người dân có cuộc sống tốt đẹp, khấm khá hơn”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đặng Phú Hành khẳng định.
Theo Báo Đà Nẵng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn