Qua 22 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” (1995-2017), cho thấy phong trào liên tục được phát huy, mở rộng và ngày càng nâng cao về chất lượng, hiệu quả. Toàn huyện có 18/18 xã, thị trấn và 108/108 khu dân cư thực hiện cuộc vận động. Năm 2011 Thuận Thành có 78 khu dân cư đạt danh hiệu văn hoá (72,2%), đến năm 2016 có 97 khu, tăng 17,6%; năm 2011 có 30.754 gia đình được công nhận gia đình văn hoá đạt 90,2%, đến năm 2016 có 36.238 gia đình được công nhận gia đình văn hoá đạt 92,5%, tăng 2,3%; 100% khu dân cư xây dựng, bổ sung quy ước, hương ước; trong năm 2016 có 108/108 thôn, khu phố tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân với 14.937 người dự, biểu dương khen thưởng 361 hộ với tổng kinh phí 320 triệu đồng. Cuộc vận động thực sự phát huy tinh thần làm chủ của các tầng lớp nhân dân, tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.
Năm 2017, tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” MTTQ các cấp chủ động phối hợp với ngành Văn hoá triển khai và cụ thể hoá Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam về cuộc vận động, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng, gắn với thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Thông qua cuộc vận động ở nhiều địa phương, các khu dân cư đã xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh, hạn chế và xoá bỏ những hủ tục lạc hậu, cảm hoá, giáo dục, giúp đỡ những người lầm lỗi, người trót sa ngã vào tệ nạn xã hội ngay tại gia đình và cộng đồng...Cùng với sự chăm lo phát triển kinh tế, lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng được thường xuyên quan tâm và có những tiến bộ đáng kể. Chương trình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” đã được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với sở Tài nguyên Môi trường triển khai phong trào đến cơ sở, khu dân cư. Vận động nhân dân dùng nước sạch và vệ sinh môi trường; xây dựng các điểm thu gom, xử lý rác thải, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; duy trì các hoạt động giữ gìn vệ sinh làm sạch đẹp khang trang đường làng, ngõ xóm. Năm 2016, Ban thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh cùng MTTQ huyện và Ban trị sự Hội Phật giáo huyện xây dựng mô hình điểm về bảo vệ môi trường chống biến đổi khí hậu tại 2 thôn Mãn Xá Đông, Mãn Xá Tây (xã Hà Mãn) được nhân dân ủng hộ đang đi vào hoạt động hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cho biết: “Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, các hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa” được các cấp, các ngành, Mặt trận và các tổ chức thành viên quan tâm phối hợp, tích cực thực hiện trở thành phong trào của toàn dân được thể hiện bằng tình cảm và hành động thiết thực như: Quyên góp ủng hộ bằng tiền, bằng ngày công lao động, hỗ trợ hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, xây dựng nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. Các hoạt động nhân đạo, từ thiện phát triển ngày càng rộng khắp với nhiều hình thức đa dạng nhằm giúp đỡ những người thiệt thòi và khó khăn trong cuộc sống vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”. Năm 2016, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” của huyện đã quyên góp được 1.120.000.000 đồng. Thực hiện Quyết định số 113/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Ban chỉ đạo xây dựng nhà ở năm 2016 của huyện đã chi hỗ trợ được 139/150 ngôi nhà nằm trong đề án được tỉnh phê duyệt (hộ nghèo giai đoạn 2011-2015), mỗi nhà được hỗ trợ 45.000.000 đồng. Tổng số tiền chi của 3 cấp là 6.255.000.000 đồng. Đồng thời hỗ trợ về vốn, giống, KHKT và kinh nghiệm sản xuất cho hàng trăm hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai trong cả nước mang tính chất toàn dân, toàn diện, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của cả hệ thống chính trị trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện. Cuộc vận động góp phần quan trọng vào thực hiện dân chủ trực tiếp, dân chủ tự quản ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nhân dân bàn bạc xây dựng và thực hiện các hương ước, quy ước phù hợp, xây dựng cộng đồng dân cư tự quản, xây dựng các tổ hoà giải, tổ an ninh thôn, xóm, khu phố, các Câu lạc bộ tự nguyện theo giới tính, lứa tuổi... Qua đó làm cho cuộc vận động ở khu dân cư thêm sinh động, phong phú được nhân dân đồng tình hưởng ứng tham gia, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền, Mặt trận với nhân dân.
Những kết quả từ cuộc vận động đã góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của huyện; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác Mặt trận, đổi mới công tác vận động quần chúng hướng vào các phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.