Năm 2014 người dân xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) đã hiến 43.761 m2 đất và xây dựng hoàn tất hệ thống đường bê tông cấp thôn bản. Có được kết quả này chính là nhờ sự đồng thuận trong quản lý, sử dụng đất đai và đặc biệt là tiếng nói của người dân được coi trọng và được giám sát.
Là một xã có tỷ lệ hộ nghèo khá cao (31%) nên việc xây dựng nông thôn mới không hề dễ dàng. Thế nhưng nhờ có sự đồng thuận của người dân đến nay toàn xã đã xây dựng được 85 tuyến đường với tổng chiều dài 44.246m, 4 cầu vượt qua đường sắt, ngầm tràn vượt sông Gianh. Đặc biệt từ tháng 6, xã Kim Hóa được huyện cấp cho 100 tấn xi măng và chỉ chưa đầy 5 tháng đã hoàn thành đường giao thông nội thôn với tổng chiều dài gần 2.000m.
Có được kết quả trên theo Chủ tịch UBND xã Kim Hóa Trần Văn Lưu là nhờ mô hình Ban giám sát cộng đồng cấp thôn được thành lập, với sự tư vấn của một số tổ chức xã hội dân sự như Liên minh đất đai (Landa), đặc biệt là sự chỉ đạo của Mặt trận tổ quốc huyện Tuyên Hóa.
"Cũng giống như nhiều địa phương khác việc xây dựng giao thông nội thôn, hay đường nội đồng khó khăn lớn nhất là khâu giải phóng mặt bằng bởi để vận động người dân hiến đất không đơn giản. Tuy nhiên nhờ có sự vào cuộc của Ban giám sát cộng đồng cấp thôn nên việc giải phóng mặt bằng để thi công các công trình trên địa bàn diễn ra rất nhanh” – ông Trần Văn Lưu phấn khởi nói.
Cũng theo ông Lưu, ở mỗi thôn đều lập ra một Ban giám sát cộng đồng, trong đó vị trí trưởng ban và phó ban đều do người dân đảm nhiệm, tham gia có đại diện một số tổ chức, đoàn thể như Chi hội phụ nữ thôn, Thanh niên thôn, Hội phụ lão thôn… Ban có trách nhiệm thu nhận thông tin, ý kiến từ mọi người dân trong thôn rồi phản hồi, đề xuất với chính quyền.
Đánh giá về vai trò Ban giám sát, ông Huỳnh Ngọc Nam – Chủ tịch MTTQ xã Kim Hóa thẳng thắn: "Các thành viên Ban giám sát cộng đồng không được nhận một đồng thù lao nào, nhưng tinh thần trách nhiệm của họ rất cao. Nhờ đó chất lượng các công trình cấp thôn được nâng lên. Mới đây nhất là công trình xây dựng đường bê tông trong thôn, ngay sau khi có chủ trương hỗ trợ xi măng của huyện, thôn đã tiến hành họp, triển khai kế hoạch và vận động nhân dân góp công, góp sức, hiến tài sản để thực hiện. Và chỉ với 14 ngày đã hoàn tất con đường”.
"Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là chủ trương lớn của Nhà nước được quy định khá cụ thể trong các chính sách. Nhưng thực tế chưa có cơ chế rõ ràng để người dân biết và kiểm tra như thế nào. Trong khi đó tình trạng thu hồi đất trái pháp luật, đền bù đất thu hồi cho người dân không thỏa đáng; chính quyền xã, thôn áp đặt các khoản thu trái phép, nhiều khuất tất trong chi tiêu diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương.
Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, tiếng nói của từng người đơn lẻ rất khó tạo được áp lực với chính quyền. Do đó, mô hình Ban giám sát cộng đồng chính là để hiện thực hóa mục tiêu dân biết, dân kiểm tra.
Trên thực tế cho thấy, mô hình đồng thuận trong quản lý, sử dụng đất đai đang phát huy hiệu quả trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương, qua đó nhiều công trình hạ tầng đã được hoàn thiện nhờ sự chung tay, góp sức của người dân. Đặc biệt, khi dân chủ ở cơ sở được phát huy, tiếng nói của người dân được tôn trọng thì những vướng mắc trong sử dụng đất đai nói riêng, các hoạt động thực thi pháp luật nói chung sẽ được hóa giải.
Điều này cũng được ông Lê Xuân Hoài – Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình khẳng định, việc tăng cường sự tham gia và giám sát của cộng đồng thông qua sự đồng thuận đã đem lại hiệu quả lớn. Người dân không chỉ hài lòng mà còn rất ủng hộ các chủ trương, chính sách. Bên cạnh đó thông qua mô hình này sẽ gắn kết người dân với chính quyền trong giải quyết các vấn đề về đất đai nói riêng và xã hội nói chung.
"Người dân đã rất hài lòng về quyền tham gia của mình và đồng thuận với sự công khai minh bạch các quyết định của chính quyền địa phương. Do đó cần áp dụng rộng rãi ở tất cả các lĩnh vực: dịch vụ hành chính công, thu hồi và đền bù đất đai, thực thi pháp luật…” – ông Lê Xuân Hoài kiến nghị.
Theo: daidoanket.vn