Theo đó, Quảng Ninh đã dành 15% nguồn vốn ngân sách cho Chương trình xây dựng NTM (75 tỉ đồng) để thực hiện hỗ trợ phát triển SX. Triển khai nội dung trên, liên ngành Kế hoạch và Đầu tư - Tài chính - Nông nghiệp và PTNT - Ban Xây dựng NTM đã ban hành Hướng dẫn số 695, ngày 13/4/2012 về một số nội dung và mức chi kinh phí phát triển SX, phát triển ngành nghề, đổi mới các hình thức tổ chức SX ở nông thôn thuộc Chương trình xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2012-2015. Tiếp đó, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2009 ngày 13/8/2012 thực hiện hỗ trợ 50% lãi suất vay ngân hàng cho các dự án SX nông lâm ngư nghiệp.
Từ cơ chế và chính sách thuận lợi, các địa phương đã bước vào triển khai thực hiện việc hỗ trợ phát triển SX trên địa bàn trong Chương trình xây dựng NTM. Đến nay, toàn tỉnh đã phê duyệt 330/340 dự án với tổng mức đầu tư 229.257 triệu đồng, gồm vốn ngân sách nhà nước: 97.516 triệu đồng, bằng 42,5% (trong đó vốn NTM là 74.735 triệu đồng); vốn đối ứng của dân, DN: 131.741 triệu đồng, bằng 57,5%. Hiện giải ngân đến hết ngày 20/12/2012 đạt 39,2%, bằng 38.213 triệu đồng. Ngoài các dự án hỗ trợ thuần túy theo Nghị định 02/2010 về chính sách khuyến nông, có một số dự án mang tính điển hình thể hiện mối liên kết 4 nhà, như dự án SX rau an toàn xã Cộng Hòa, Quảng Yên do Cty Việt Long làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 104 tỉ đồng, vốn ngân sách nhà nước 23,2 tỉ đồng (chiếm 22,3%), còn lại do Cty và nhân dân đóng góp. Năm 2012, Cty đã đầu tư 15 tỉ đồng cho nhiều hạng mục quan trọng: hệ thống thủy lợi, đường nội đồng, nhà chế biến rau...
Nuôi chim bồ câu Pháp theo phương pháp công nghiệp tại HTX Nông trang Quảng La, Hoành Bồ
Dự án trồng mía đường, chè ở Hải Hà đã có sự chủ động từ các DN phối hợp với người dân để thực hiện. Nhiều dự án thực hiện SX tập trung như trồng Thanh Long ruột đỏ, cam V2, nấm ăn ở Đông Triều, Hoành Bồ; Rau an toàn ở Quảng Yên, Đông Triều; Hoa cao cấp ở Hoành Bồ; Ba kích ở Vân Đồn... Các dự án hỗ trợ máy nông nghiệp, cơ sở trồng trọt: máy làm đất, máy gặt đập, nhà lưới trồng rau hoa ở các huyện Miền Đông, Vân Đồn, Hoành Bồ. Nhiều hợp tác xã, nhóm hộ mặc dù chưa được hỗ trợ song cũng tích cực chủ động lập và thực hiện các dự án SX, như nuôi chim Bồ câu Pháp với quy mô lớn ở xã Quảng La, Hoành Bồ; mở rộng trồng cây vụ đông ở các huyện miền Đông.
Đánh giá về hiệu quả của việc hỗ trợ phát triển SX cho thấy các địa phương đã nhận thức sâu sắc vốn nguồn hỗ trợ sẽ tạo điều kiện thúc đẩy SX ngành nông nghiệp, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho các hộ dân góp phần hoàn thành nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức SX trong Chương trình xây dựng NTM. Từ thực hiện các dự án hỗ trợ SX, tình hình SXNN trên địa bàn tỉnh có bước chuyển mạnh mẽ về cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giá trị SX tăng cao trên đơn vị diện tích canh tác, nhiều mô hình mới, tư duy mới trong SXNN được thực hiện, khai thác được lợi thế về tiềm năng đất đai, sức lao động dồi dào ở nông thôn, sản lượng lương thực phẩm tăng cao đáp ứng và ổn định nhu cầu của thị trường.
Một số mô hình SX đã được tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm đủ điều kiện nhân rộng được chú trọng đầu tư theo hướng tạo sản phẩm hàng hoá nông nghiệp đặc trưng của mỗi huyện. Từ nguồn vốn hỗ trợ chủ lực của tỉnh, nhiều địa phương đã cân đối bổ sung thêm nguồn lực để hỗ trợ phát triển SX thành phố Móng Cái bố trí thêm 5,8 tỉ đồng, huyện Hải Hà 3,5 tỉ; Cô Tô 2,0 tỉ; Bình Liêu 5,4 tỉ; Quảng Yên 2,5 tỉ; thành phố Cẩm Phả và Uông Bí tự cân đối bố trí 1,4 tỉ đồng cho hỗ trợ phát triển SX.
Biện pháp chỉ đạo, điều hành được Ban Xây dựng NTM và ngành nông nghiệp tỉnh tích cực triển khai, ngay sau quý I/ 2012 khi các địa phương tiếp nhận nguồn vốn, lập danh mục các dự án SX, Ban Xây dựng NTM tham mưu và UBND tỉnh đã chỉ đạo đi kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện. Đầu quý II/ 2012 đã tổ chức 2 lớp tập huấn cấp tỉnh, các địa phương trong tỉnh cũng đã tổ chức tập huấn trong đó có nội dung hướng dẫn triển khai lập dự án, quy trình thực hiện dự án phát triển SXNN.
Một số địa phương phân cấp xuống cấp xã để xã được bổ sung thêm nguồn lực và chủ động triển khai, lựa chọn những mô hình phù hợp với thực tiễn của cơ sở như Đông Triều (phân cấp 50% cho cấp xã), Đầm Hà, Hoành Bồ (phân cấp 100%); Vân Đồn, Hải Hà, Tiên Yên phân cấp một số dự án cho cấp xã. Các xã được phân cấp đã họp dân, lập dự án, thành lập ban quản lý và phân công lãnh đạo UBND xã, lãnh đạo các HTX, cán bộ khuyến nông để thực hiện. Cơ chế được các địa phương áp dụng thực hiện theo Nghị định 02/2010 về khuyến nông, hỗ trợ 100% cây, con giống mới, riêng huyện Đông Triều áp dụng tỉ lệ Nhà nước hỗ trợ 70%, nhân dân đối ứng 30%.
Mặc dù vậy, chương trình hỗ trợ phát triển SX còn một số mặt hạn chế, tiến độ thực hiện nguồn vốn so với chương trình cả năm còn chậm, ảnh hưởng tới tính thời vụ của một số vật nuôi, cây trồng. Về loại hình hỗ trợ, cơ bản các địa phương triển khai mới chỉ tập trung vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, trình độ đơn giản, chưa có các dự án lớn hàm lượng công nghệ cao; chưa có dự án đầu tư vào lĩnh vực khuyến công trong nông nghiệp và phát triển ngành nghề nông thôn. Một số mô hình mới chưa đánh giá kỹ hiệu quả đầu ra như trồng Thanh Long ruột đỏ, chim trĩ, chồn nhung đen, cũng như kỹ thuật nuôi đối với vật nuôi mới nên tỉ lệ sống ở các mô hình chồn nhung đen, cầy hương, chim trĩ đạt thấp.
Về quy mô, cách thức hỗ trợ, cơ bản các địa phương thực hiện hỗ trợ mô hình qua hộ gia đình là chính, hỗ trợ qua tổ chức (DN, hợp tác xã) còn rất ít (Quảng Yên hỗ trợ một DN tham gia dự án rau an toàn, Hoành Bồ hỗ trợ một DN tham gia nuôi cá Tầm (và một DA trồng hoa Lan hồ điệp, nguồn vốn KHCN). Có địa phương hỗ trợ trực tiếp cho DN nên chưa tạo được tính xã hội cao trong hỗ trợ phát triển SX cho nhân dân, trong khi nhiều hợp tác xã - tổ chức đóng vai trò cầu nối về kinh tế giữa Nhà nước với nông dân gần như chưa tiếp cận được với chương trình.
Nguyên nhân của sự hạn chế trên có cả chủ quan và khách quan, song cơ bản là biện pháp triển khai của cấp huyện trong thời gian đầu chưa có sự chuẩn bị và bố trí danh mục các dự án SX do còn thiếu quy hoạch SX cụ thể, lần đầu tiên được phân cấp với số tiền lớn; Nhiều huyện phó mặc cho Phòng Nông nghiệp (Phòng Kinh tế), phân cấp cho xã mang tính hình thức nên quá tải ở cấp huyện (Đông Triều, Quảng Yên, Hoành Bồ) và chưa thực hiện đúng Thông tư liên tịch số 26 ngày 13/4/2011 về quy trình thủ tục thực hiện hỗ trợ phát triển SX (Điều 11 về dự án Hỗ trợ phát triển SX và ngành nghề nông thôn và điều 12 về dự án Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức SX có hiệu quả ở nông thôn), nhiều địa phương còn nặng nề trong thủ tục hành chính gây khó khăn cho cơ sở khi triển khai thực hiện; Trình độ cán bộ trong quản lý kinh tế ở cấp xã, ở Phòng Nông nghiệp huyện (cả trong quản lý thực hiện thực án) còn thiếu và yếu nên chưa nắm vững trình tự thủ tục lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, thẩm định, phê duyệt, thanh toán. Việc bố trí vốn hỗ trợ SX theo nguồn vốn đầu tư nên trình tự thủ tục phải thực hiện theo quy trình về đầu tư, trình độ của cán bộ cấp xã chưa đáp ứng được thực hiện trình tự đầu tư (lập dự án, khâu tạm ứng, thanh toán giải ngân), việc chuyển nguồn vốn đầu tư sang chi thường xuyên còn chậm.
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn