Trong giai đoạn chuyển tiếp, hàng triệu nông dân trên cả nước sẽ là một trong các đối tượng phải đóng tiền sử dụng nước từ các hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi
Cũng tại phiên họp sáng 14-12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thừa uỷ quyền của Chính phủ đã báo cáo về việc từ ngày 1-1-2017, chính sách miễn thủy lợi phí hết hiệu lực, về nguyên tắc, các đối tượng được hưởng chính sách miễn thủy lợi phí như trước đây sẽ không được tiếp tục hưởng các hỗ trợ của Nhà nước.
Hệ quả là, hàng triệu nông dân trên cả nước sẽ là một trong các đối tượng phải đóng tiền sử dụng nước từ các hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Các địa phương, đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi cũng vì vậy mà gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện thu chi, cấp phát tài chính doanh nghiệp. Nhiều địa phương hiện nay mới chỉ thực hiện tạm ứng, cấp phát cho các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi.
“Xuất phát từ những lý do trên, để kịp thời hỗ trợ cho người dân ổn định sản xuất nông nghiệp, các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi bảo đảm kinh phí hoạt động trong thời gian chuyển tiếp đến khi Luật Thủy lợi có hiệu lực thi hành (ngày 1-7-2018), Chính phủ đề nghị UBTVQH ban hành Nghị quyết quy định về hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi”, người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra, nghe ý kiến của các thành viên UBTVQH và các đại biểu tham dự, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận, để đảm bảo các nguyên tắc về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, UBTVQH không ra nghị quyết về nội dung này. UBTVQH giao Chính phủ ban hành nghị định dựa trên Luật Giá, Luật Ngân sách nhà nước và Luật Thủy lợi hiện hành để quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân trong 18 tháng, có hiệu lực hồi tố về trước thời điểm 1-7-2018 (thời điểm Luật Thủy lợi mới có hiệu lực thi hành).
“Đây là chính sách quan trọng, chuyển tiếp, UBTVQH đề nghị Chính phủ trước khi ban hành nghị định thì báo cáo UBTVQH về phạm vi, đối tượng, chính sách cụ thể tại phiên họp gần nhất. Chính phủ có thể áp dụng thủ tục rút gọn khi xây dựng nghị định, cố gắng trình UBTVQH tại phiên họp được tổ chức vào tháng 1-2018. Từ 1-1-2018, Chính phủ tiếp tục xây dựng nghị định để thực hiện Luật Thủy lợi mới”, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn