Nhiều mô hình cho thu nhập cao
Theo báo cáo của UBND huyện Hoài Đức, trong 6 tháng đầu năm 2017, kinh tế trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển đều trên các lĩnh vực, tăng trưởng 11,9% so với cùng kỳ. Trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm ước đạt 780 tỷ đồng, đạt 64,6% kế hoạch năm và tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Ông Nguyễn Quang Đức – Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết, trên địa bàn đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung và đã xuất hiện một số mô hình có liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực như vùng chuyên canh cây ăn quả 540ha, vùng rau an toàn gần 300ha.
Trồng phật thủ đang mang lại thu nhập cao cho người dân một số xã
của huyện Hoài Đức (Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng
“Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn huyện đã trồng mới được 29ha cây ăn quả, chuyển đổi 32ha từ cây màu hàng năm kém hiệu quả sang chuyên trồng rau. Nhiều mô hình trồng trọt cho giá trị kinh tế rất cao, như mô hình trồng nhãn chín muộn 500 triệu đồng/ha, bưởi đường sớm 500 triệu đồng/ha, phật thủ 600 triệu - 1 tỷ đồng/ha” – ông Đức nhấn mạnh.
Cũng theo ông Đức, về xây dựng NTM, đến hết năm 2016 huyện có 19/19 xã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn NTM. Huyện đang tích cực phối hợp với các ngành, Văn phòng Điều phối NTM thành phố tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM, đồng thời tập trung các biện pháp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tổ chức kê khai đăng ký đất đai được trên 7.000 thửa, hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa và cấp lần đầu cho khoảng 1.200 thửa đất theo quy định.
Nâng cao giá trị các cây, con đặc sản
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Đức cũng thừa nhận quá trình triển khai Chương trình xây dựng NTM của huyện Hoài Đức vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục khắc phục. “Một trong những hạn chế hiện nay là công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký kê khai biến động đất đai và triển khai các nội dụng theo chỉ đạo của thành phố, của huyện về đất dịch vụ theo Nghị định 17 còn chậm theo yêu cầu. Tình trạng ô nhiễm môi trường còn tương đối phức tạp, các biện pháp khắc phục chưa đáp ứng yêu cầu…” – ông Đức khẳng định.
Nhất trí với những thành quả huyện Hoài Đức đã nỗ lực trong thời gian qua, Ban chỉ đạo Xây dựng NTM thành phố đã họp đánh giá và bỏ phiếu 100% đồng ý huyện Hoài Đức đạt chuẩn NTM. Hiện hồ sơ đang được trình Chính phủ để xét duyệt.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng: “Dù các xã đã đạt chuẩn NTM nhưng địa phương cần duy trì và nâng cao hơn nữa các tiêu chí, trong đó chú trọng tiêu chí về văn hóa, vệ sinh môi trường, thu nhập, đồng thời lồng ghép với xây dựng đô thị văn minh trong quá trình huyện đang quá trình đô thị hóa nhanh, gắn hương ước, quy ước của làng xã với bộ quy tắc ứng xử của người Hà Nội văn minh - thanh lịch”. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị huyện chú trọng phát triển các mô hình quy mô lớn, sản phẩm sạch, đặc biệt là các mô hình ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục tuyên truyền và phát triển các mô hình cây, con đã có thương hiệu như nhãn chín muộn, phật thủ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp để cung cấp cho thị trường sản phẩm sạch, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.
Tổng kế hoạch vốn đầu tư cho xây dựng NTM của huyện Hoài Đức năm 2017 là 632,8 tỷ đồng, chủ yếu triển khai thực hiện các dự án liên quan đến xây dựng trường học, nhà văn hóa, công trình giao thông… Tổng giá trị thanh toán, giải ngân đến nay ước đạt 329,7 tỷ đồng, đạt 52,1% kế hoạch vốn giao. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn